Tại dự thảo Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hỗ trợ đầu tư trồng rừng và khuyến lâm.
Theo dự thảo, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng trên đất trồng, đồi núi trọc, quy hoạch là rừng sản xuất thì được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước, mức hỗ trợ cụ thể như sau: Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây bản địa, mức hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Trồng rừng tại các xã biên giới được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha ngoài mức hỗ trợ quy định tại trên.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng khảo nghiệm (giống mới, trên vùng đất mới) theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ vốn bằng 60% giá thành trồng rừng được duyệt. Mỗi mô hình trồng rừng khảo nghiệm được hỗ trợ không quá 2 ha.
Dự thảo đề xuất hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm với mức 500.000 đồng/ha trong 5 năm (1 năm trồng và 4 năm chăm sóc). Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng: 300.000 đồng/ha. Hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình: 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng).
Hình thức hỗ trợ: hỗ trợ sau đầu tư và hỗ trợ đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục của việc hỗ trợ sau đầu tư và hỗ trợ đầu tư.
Điều kiện nhận hỗ trợ
Dự thảo nêu rõ điều kiện nhận hỗ trợ như sau: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với doanh nghiệp nhà nước phải là đất trồng rừng sản xuất đã được doanh nghiệp giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng ổn định lâu dài (tối thiểu một chu kỳ). Nguồn giống trồng rừng (hạt giống hoặc cây giống) phải có xuất xứ từ cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về nguồn giống theo quy định tại Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Chinhphu.vn
Dự thảo đã nêu rõ mục tiêu phát triển rừng: Trồng 900.000 ha rừng sản xuất, bình quân mỗi năm trồng 180 nghìn ha (bao gồm cả diện tích trồng lại rừng sau khai thác); trồng 75.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, mỗi năm trồng 15.000 ha. Khoanh nuôi mới 50.000 ha trong 5 năm, chuyển tiếp 310.000 ha. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhằm ổn định đời sống cho đồng bào miền núi. Thúc đẩy hình thành thị trường nghề rừng phát triển ổn định lâu dài, bao gồm thị trường cung cấp giống, dịch vụ kỹ thuật, thị trường chế biến và tiêu thụ lâm sản. |