(GLO)- Lâu nay, các nhà phân phối, nhất là phân phối nông sản nội địa do nông dân hay doanh nghiệp sản xuất, đều muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị để quảng bá, đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt đến với đông đảo khách hàng, tạo điều kiện cho cả khâu sản xuất và lưu thông thương mại trong nước cùng phát triển. Tuy nhiên, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc này. Nói là họ “kém duyên” với các hệ thống siêu thị thì chưa hẳn đúng, vì những sản phẩm của họ đã được thị trường nội địa chấp nhận rộng rãi, nhất là những sản phẩm thuộc về đặc sản vùng miền.
Siêu thị là kênh phân phối chuyên nghiệp và hiện đại nhưng thực chất, nó vẫn là “cái chợ”. Có điều, nó văn minh, đạt nhiều chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chất lượng sản phẩm, về giá cả… Tới chợ, người ta được quyền trả giá, còn tới siêu thị chỉ chọn mặt hàng và… trả tiền. Người mua hàng chấp nhận điều đó. Vậy thì tại sao khi nhà phân phối đưa những mặt hàng đã được kiểm định, đã được thị trường chấp nhận rộng rãi vào siêu thị, họ lại phải chịu “lép” với chính người mua hàng là siêu thị? Từ giá cả, các khoản thu phí, những “ngoại lệ” phải tốn tiền đều do siêu thị tự ý đặt ra, nhà phân phối “ưng thì chơi, không ưng thì thôi”. Như thế, có “ép” nhau quá không?
|
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Luật Thương mại đã nêu rõ: “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng hóa của các nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”. Nhưng câu hỏi đặt ra, thế nào là lý do chính đáng và ai là người đứng ra xác nhận sự chính đáng ấy, thì lại chưa có văn bản nào giải thích.
Trong luật, những “kẽ hở từ ngữ” luôn được người ta lặng lẽ “lách” qua để tìm được phần có lợi nhất cho mình. Và như thế, dĩ nhiên, phần thiệt thòi sẽ thuộc về đối tác.
Có những nhà quản lý đã nhìn thấy “kẽ hở” này và đã yêu cầu phải tìm cách phân phối lại lợi ích giữa các công đoạn từ sản xuất, thương mại đến chế biến. Muốn vậy, phải để nông dân có quyền lợi đến sản phẩm cuối cùng của họ. Nhưng cứ nói chung chung như vậy thì mãi mãi vẫn không giải quyết được vấn đề. Nông dân sản xuất sản phẩm vẫn bị ép giá khi thu mua, nhà phân phối lại bị ép khi muốn đưa hàng vào siêu thị, và cuối cùng, người mua hàng thì phải “nhắm mắt tự nguyện” trả tiền khi vào siêu thị. Ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong chuỗi cung ứng này? Dĩ nhiên, không phải người sản xuất, cũng chưa phải nhà phân phối mà chính là các siêu thị.
Đất nước ta từ khá lâu đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, dựa trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Nhưng chính vì đã lường trước những hiện tượng của một nền kinh tế thị trường chưa hoàn hảo, chưa đủ sức cạnh tranh công bằng nên nền kinh tế thị trường của chúng ta gắn thêm từ “định hướng”. Đây là định hướng để tìm đến sự công bằng, phân minh, cùng có lợi giữa các bên tham gia, có ưu tiên đến người trực tiếp sản xuất, đến những thành phần lao động dễ bị tổn thương trong chính nền kinh tế thị trường đó.
Vậy thì các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý hãy mạnh mẽ vào cuộc để giải quyết những chuyện “ép” này, để nền kinh tế thị trường của chúng ta thực sự có định hướng, có “nhạc trưởng” điều phối và đó là định hướng theo tinh thần công bằng của chủ nghĩa xã hội.
Nếu trong chuỗi cung ứng hàng hóa đó, cần “định hướng” về đâu, thì trước hết, cần ưu tiên hướng về người sản xuất, hướng về nông dân nếu đó là những mặt hàng nông sản, hướng về những người thợ thủ công nếu đó là những mặt hàng thủ công, hướng về công nhân nếu đó là những mặt hàng công nghiệp do những xí nghiệp nhỏ và vừa sản xuất. Nên tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất khi người sản xuất tự đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối của siêu thị hay của những chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Ngay những siêu thị, những chuỗi cửa hàng bán lẻ của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng phải bắt buộc họ tuân thủ những quy định nhằm “ưu tiên cho hàng Việt” như một nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ.
THANH THẢO