(GLO)- Hằng năm, đúng vào sáng ngày mùng một Tết, tại thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có một phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra đúng 1 ngày trong năm, đó là Chợ Gò dưới chân núi Trường Úc, thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước.
Hội đánh bài chòi cổ ở Chợ Gò. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Tương truyền, chợ Gò được hai tướng của Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã tổ chức để quân lính vui xuân. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, đến nay, Lễ hội chợ Gò vẫn cơ bản giữ được nét truyền thống vốn có và có chiều hướng phát triển phong phú hơn và đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân đất võ Bình Định.
Người dân mua trầu cau lấy lộc đầu năm. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết đã có hàng ngàn người dân ở huyện Tuy Phước, Thị xã An Nhơn, TP. Quy Nhơn và các địa phương lân cận đã nô nức đổ về thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước để tham dự Lễ hội chợ Gò. Cụ bà Nguyễn Thị Thiệt, 78 tuổi ở xã Nhơn Phong, Thị xã An Nhơn cho biết: Hơn 30 năm nay năm nào bà cũng đến bán hàng tại Chợ Gò. Đi mãi đâm quen nên từ sau Giao thừa là bà không ngủ được. 2 giờ sáng mùng một Tết là bà đã dậy chuẩn bị đem hàng đến Chợ. Gọi là hàng cho oai chứ thật ra chỉ có buồng cau, mấy chục lá trầu, vài quả đu đủ được xếp gọn trong chiếc giỏ xách đi chợ hằng ngày. “Mua bán đầu năm không cốt kiếm lời mà lấy lộc đầu năm và vui xuân là chính”-Bà Thiệt nói.
Quang cảnh mua bán nhộn nhịp tại Lễ hội chợ Gò. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Ở phiên Chợ Gò, ngoài một số ít người làm nghề buôn bán, còn lại đa phần là người dân địa phương đưa các loại nông-thổ sản, sản vật và tôm, cá tươi sống được nuôi, trồng ở địa phương đến chợ để phục vụ nhu cầu cúng kính, ăn uống trong mấy ngày Tết. Nhiều người dân Bình Định từ các tỉnh xa hằng năm vẫn về quê, đến chợ Gò để mua mấy lá trầu, mấy quả cau, quả đu đủ, quả sung hay một ít muối hạt… để lấy lộc với mong ước năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc làm ăn và gia đình hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, ở tỉnh Đak Nông vừa về huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ăn Tết cho biết: “Với người dân Tuy Phước, chợ Gò là một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu tiên của năm mới. Người dân Tuy Phước dù có đi đâu, làm gì, hễ có dịp về quê vào dịp Tết đều nhớ đến chợ Gò để mua lấy lộc đầu năm, mong cho cả năm được sung túc”.
Võ sĩ Phi Thị Nhật lệ biểu diễn bài quyền Roi Thái Sơn. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuy Phước cho biết: Điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội chợ Gò năm nay là lần đầu tiên huyện Tuy Phước đứng ra phục dựng và tổ chức Hội đánh bài chòi cổ-một di sản văn hóa của vùng đất võ Bình Định. Ngoài ra, tại Lễ hội năm nay còn có các màn biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định và các trò chơi dân gian phục vụ du khách vui xuân…
Nguyễn Xuân