Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim Việt Nam đang bị thương mại hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mới đây, vào ngày 21-2, trong buổi giao lưu về điện ảnh với khán giả ở Huế, đạo diễn NSDN Đặng Nhật Minh cho biết, ông thực sự buồn vì phim ở nước ta hiện nay đang bị thương mại hóa, làm phim chỉ vì lợi nhuận chứ không phải làm phim vì sự đam mê, vì sự nhân văn giữa con người như khi điện ảnh Việt Nam mới ra đời.

Tôi cảm ơn thời bao cấp

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, thân phụ của ông là Giáo sư Y học Đặng Văn Ngữ. Tuy nhiên, ông đã không theo nghiệp cha mà chọn điện ảnh vì một sự đam mê cháy bỏng. Ông bắt đầu làm phim từ năm 1965, khi ông làm bộ phim tài liệu về các kĩ sư địa chất. Sau này, ông trở thành đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam với nhiều bộ phim như Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi… Đặc biệt với bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại.
 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh buồn vì phim nước ta đang bị thương mại hóa. Ảnh: Quang Sang
Đạo diễn Đặng Nhật Minh buồn vì phim nước ta đang bị thương mại hóa. Ảnh: Quang Sang

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, để làm một bộ phim thì thật sự khó khăn. Vào thời điểm đó, chỉ có nhà nước cấp kinh phí để làm nên lượng phim làm ra rất ít, để làm một bộ phim thì tất cả mọi người đều đặt cả tâm huyết, cảm xúc vào đó. Thời đó, chưa có khái niệm làm phim vì “tiền” hay làm phim giải trí, tất cả đều hướng về cái nhân văn. Nếu ai đã được đi xem phim thì khi về phải viết bài thu hoạch, đúc kết được gì sau bộ phim đó.

Vì vậy, cả người làm phim và người thưởng thức luôn mong chờ các bộ phim mới ra đời, nóng lòng để được xem phim. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, tâm sự: “Nếu là hiện tại thì tôi không bao giờ làm được các bộ phim như Bao giờ cho đến tháng Mười, Mùa ổi… bởi vì những bộ phim này là cảm xúc, là cái nhân văn, phim làm ra không vì tiền, nên nó đánh sâu vào tậm trạng của mỗi người. Còn hiện nay, phim làm ra phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, tiêu chí đầu tiên của mỗi bộ phim là thu lợi nhuận cao sau mỗi bộ phim”.

Bởi những tâm sự chân thành này mà đạo diễn luôn cảm ơn thời bao cấp, chỉ có nhà nước bỏ tiền ra để những đạo diễn như Đặng Nhật Minh làm phim nhân văn. Chính vì vậy những bộ phim làm ra sâu sắc, mang nét riêng của dân tộc mình.

Không nên làm phim theo kiểu thị trường

Đạo diễn Đặng Nhật Minh buồn khi phim ở nước ta hiện nay đã bị kinh doanh hóa, nhiều bộ phim được làm với mục địch lợi nhuận. Nguyên nhân là hàng loạt hãng phim tư nhân đã ra đời, thay vì trước chỉ có một ông chủ, đó là nhà nước bỏ tiền làm phim, đến nay, cả nước đã có 42 hãng phim tư nhân đã và đang hoạt động trong ngành điện ảnh. Các hãng phim tư nhân này hoạt động với chỉ một mục đích làm sao đó sau một bộ phim phải thu thật nhiều tiền.
 

Khán giả Huế có buổi giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: Quang Sang
Khán giả Huế có buổi giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: Quang Sang

Khi đổi sang làm phim thị trường thì cách làm phim, tư duy, hướng thu hút khán giả đều khác. Nếu làm một bộ phim sâu sắc, tốn quá nhiều thời gian, tốn quá nhiều chi phí thì không bao giờ các hãng phim tư nhân này làm. Chúng ta thấy phim hiện nay có nhiều cảnh nóng, diễn viên phải nổi tiếng trước rồi mới đi đóng phim (không giống thời trước khi đi đóng phim mới nổi tiếng), lời thoại trong phim thì bị chặt khúc, độ sâu âm thanh người xa hay gần đều giống nhau… Đó là hậu quả của phim vì đồng tiền.

Đạo diễn cho biết: “Do là các hãng phim tư nhân nên phim hiện nay đa số đều vì lợi nhuận. Vì vậy có thể gọi đó là phim thị trường, Phim thị trường không mang dấu ấn của một dân tộc nào cả. Phim thị trường dễ hội nhập nhưng chẳng có một bản sắc riêng nào”.

Cũng trong buổi giao lưu, nhiều khán giả đã hỏi đạo diễn có lời khuyên gì cho thế hệ đạo diễn trẻ sau này thì đạo diễn đã nói rằng, các đạo diễn trẻ hãy tạo cho mình một con đường làm phim thực sự ý nghĩa, để những bộ phim họ làm ra có thể vươn xa, tranh tài trong các liên hoan phim với bản sắc riêng của dân tộc mình. Làm phim vì nghệ thuật chứ đừng làm phim vì đồng tiền, qua các bộ phim đó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, cách sống tốt hơn. Đó là cảm xúc, mọi người cùng cảm xúc để nuôi dưỡng một tâm hồn tốt đẹp hơn.

Quang Sang

Có thể bạn quan tâm

Chỉ cần hai ngày, doanh thu 'Avatar 2' đã vượt mặt 'Avatar 1'

Chỉ cần hai ngày, doanh thu 'Avatar 2' đã vượt mặt 'Avatar 1'

Tính đến hiện tại, doanh thu của bom tấn Avatar: The way of water tại Việt Nam đã đạt hơn 40 tỉ đồng sau ngày công chiếu đầu tiên. Như vậy, rất có khả năng chỉ cần 2 ngày, doanh thu Avatar: The way of water sẽ vượt mốc doanh thu mà phần phim tiền nhiệm đã làm được tại thị trường Việt Nam.
3 phim Việt công bố sẽ chiếu tết 2023

3 phim Việt công bố sẽ chiếu tết 2023

Mới đây, liên tiếp 2 bộ phim Việt: Chị chị em em 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Siêu lừa gặp siêu lầy (đạo diễn Võ Thanh Hòa) đã có buổi họp báo công bố tham gia thị trường phim Tết Nguyên đán 2023. Trước đó, Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành) cũng cho biết sẽ chiếu rạp từ mùng 1 Tết Quý Mão (tức ngày 22.1.2023).