Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc với nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương trình; đồng thời lưu ý Quy hoạch phải bảo đảm tối đa chỉ có 150 đầu mối xuất khẩu gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch này, bảo đảm yêu cầu kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm.
Bộ Công Thương thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm 4 Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 18-7-2013 của Văn phòng Chính phủ, theo đó phê duyệt Quy hoạch theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo; hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo; đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thời gian qua, có khoảng 280 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Được biết, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng gạo sẽ được tiến hành tự do hóa thương mại vào năm 2015 trong khu vực ASEAN. Quá trình này sẽ mang lại nhiều tác động tốt và cả thách thức đối với doanh nghiệp, đòi hỏi mỗi đơn vị cần thay đổi, xây dựng những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.
Theo Chinhphu.vn