Người Đà Lạt nói vào mùa mưa, thành phố ngập lụt là hình ảnh quen mắt họ thấy từ vài năm nay…
Đầu tháng 5, nhiều cơn mưa lớn kéo dài đổ xuống Đà Lạt khiến nhiều khu vực dân cư và các vườn rau, hoa trong TP bị ngập lụt nặng. Điều đáng nói là tình trạng cứ mưa lớn là ngập ở một số khu vực Đà Lạt không còn là diễn biến bất thường ở TP cao nguyên Langbiang này nữa.
Dân Đà Lạt quen với ngập lụt
Mùa mưa Đà Lạt năm 2019 chỉ mới bắt đầu nhưng theo ghi nhận của Cơ quan Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Đà Lạt đã ghi nhận một số trận mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số nơi.
Anh Nguyễn Nam Viên (nhà trên đường Ngô Văn Sở, phường 9, TP Đà Lạt) cho biết nhà anh ở gần khu vực suối hồ Than Thở, năm nào cũng có vài trận ngập vì mưa. “Mọi người trong vùng cũng quen luôn rồi. Cứ mưa lớn khoảng vài chục phút là ngập. Tội nhất là mấy hộ gia đình làm nông, cứ mùa mưa đến là nơm nớp lo mất trắng vụ rau, hoa, thiệt hại về kinh tế không nhỏ” - anh Viên nói.
Tại khu vực dân cư ven suối Ba Toa, nằm giữa lòng TP Đà Lạt, cứ mỗi trận mưa lớn là nước từ hồ Xuân Hương đổ xuống suối Ba Toa ầm ào hung hãn khiến cư dân sống hai bên khiếp sợ. “Nhà tôi ở đây từ ngày xưa. Hồi đó con suối rộng lắm, nhà bằng gỗ thôi nhưng mưa lớn cũng không thấy sợ như bây giờ vì nước luôn chảy rất hiền hòa. Giờ nhà cửa xây bê tông hết, lại cứ lấn dần ra phía lòng suối nên con suối nhỏ lại, nhiều chỗ bị nắn dòng chảy nên mưa lớn thì nước chảy rất xiết, đổ xuống phía dưới như dòng nước lũ nguy hiểm vô cùng. Đã có trường hợp ở đoạn cuối con suối, nước chảy không kịp, tràn lên cầu cuốn trôi cả người và xe máy đang chạy trên đường” - anh Trương Minh Tâm, nhà gần suối Ba Toa, cho biết.
Tình trạng lấn chiếm xây nhà ở ven suối gây ngập lụt vào mùa mưa cũng diễn ra tương tự ở khu vực cuối dốc Nhà Bò (phường 3), suối Hàn Thuyên (phường 5), thung lũng Nguyễn Tri Phương (phường 3)… Trước đây suối và hồ ở khu vực này khá lớn, nay đã bị lấn gần hết. “Suối Nhà Bò giờ là con mương nhỏ, chỉ cần bước cũng qua. Riêng hồ nước và cánh rừng thông ở thung lũng Nguyễn Tri Phương thì giờ bị xóa sổ hoàn toàn, giờ thông nhường chỗ cho nhà cửa, biệt thự, khu du lịch mọc lên” - ông Nguyễn Duy Lạng, người dân địa phương, cho hay.
Cảnh ngập ở khu vực Mê Linh, trung tâm TP Đà Lạt, sau một cơn mưa đầu tháng 5-2019. Ảnh: BÌNH AN
Vườn rau, hoa ở khu Mê Linh bị ngập nặng sau trận mưa lớn. Ảnh: BÌNH AN
Bê tông hóa khắp nơi
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều ngọn đồi, thung lũng ở Đà Lạt cũng đã bị bê tông hóa, nhà cửa mọc lên san sát. Điển hình như các khu dân cư mới hình thành trên đường Triệu Việt Vương, An Bình, An Sơn, Quảng Thừa…, nơi vốn là vùng ngoại ô của TP, chủ yếu là đất nông nghiệp trồng rau, hoa và những cánh rừng thông.
Một số khu dân cư ở địa hình đồi dốc do nhà xây lên nhiều, đường đi chỉ còn là những con hẻm nhỏ rộng chừng 1 m, dốc nên mỗi dịp mưa lớn thì nước chảy lênh láng như suối. Những gia đình nào không kịp chặn thì chấp nhận nước chảy vào tận trong nhà. Nhiều trường hợp sạt lở taluy gây sập nhà, thiệt hại về tài sản lẫn con người đã được các cơ quan chức năng thống kê trong những năm qua.
Bây giờ ở TP này, tìm được khu nào có mảng xanh là rất hiếm. Nhà cửa xây lên ồ ạt, mạnh ai nấy xây theo sở thích riêng và người ta tận dụng từng centimet đất nên việc có khoảng trống để cây cỏ mọc lên, để đất có khoảng thở và nước có khoảng thấm là thứ gì đó thật xa xỉ. Và đó cũng là nguyên nhân gần đây Đà Lạt chỉ cần mưa là ngập cục bộ. Cụ NGÔ BÁU, ngụ khu Vạn Kiếp, một cư dân lâu năm của Đà Lạt |
Nhiếp ảnh gia MPK, một người con của Đà Lạt, cho biết: “Ngày xưa Đà Lạt làm gì có ngập lụt kiểu như bây giờ. Hệ thống sông suối từ đầu nguồn đến bình lưu rồi hạ lưu của TP thông qua các hệ thống hồ đập, sông suối nhỏ và những cánh rừng xung quanh bao bọc nên mưa không thể gây ngập mà ngược lại tiết chế lẫn nhau, chảy hiền hòa rồi đổ xuống hạ lưu, đi vào hệ thống sông Đồng Nai. Còn bây giờ, bê tông hóa nhiều quá. Người ta phá rừng, kể cả rừng đầu nguồn, ở những ngọn đồi như Đa Phú, Hòn Bồ, Trại Mát. Những cánh rừng thông ở nội ô như ở thung lũng Nguyễn Tri Phương, đồi Rô Bin, đầu đèo Prenn… giờ hầu như đã biến mất, thay vào đó là nhà, là villa mọc lên thì mưa lũ không phải là chuyện bất thường”.
“Nói đâu xa, trước kia thung lũng Nguyễn Tri Phương nằm bên cạnh Dinh I là những cánh rừng thông bạt ngàn thì nay bị cày lên xây biệt thự, hình thành cả một khu dân cư với những căn nhà xây kiên cố. Rồi khu vực nhà ga, ngay cạnh đó là con suối thì nay con suối đó cũng đã bị lấp hoàn toàn và quy hoạch thành khu dân cư, phân nền” - nhiếp ảnh gia MPK chia sẻ.
Trả lại các con suối, hồ nước Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc hễ mưa là Đà Lạt bị ngập ở một số khu vực. Đó là việc bê tông hóa đô thị và nhà kính hóa sản xuất nông nghiệp đã làm tắc các đường thấm nước mặt. Đặc biệt ở nội ô, tỉ lệ bê tông hóa đã vượt xa tỉ lệ cho phép theo công bố trong quy hoạch chung và điều này gần như triệt tiêu đường thấm của nước, mưa lớn dù chỉ thời gian ngắn cũng sẽ gây ngập các con đường, nhà cửa... Theo ông Sinh, rất khó để giải quyết ngay tức thì hiện trạng này. Trước hết cần phải sớm quy hoạch trả lại các con suối, hồ nước nằm trên dòng chảy của nước thượng nguồn. Bên cạnh đó, ở những vùng hiện thường xuyên xảy ra ngập cục bộ vào mùa mưa thì chính quyền cần phải mạnh dạn quy hoạch lại và ngừng việc cấp phép xây dựng thêm các dự án nhà cao tầng, khách sạn... |
Bình An (PL)