Sâm Ngọc Linh - một dược liệu quý hiếm mang tầm quốc gia đang được Kon Tum quảng bá ra thế giới. Tại Kon Tum, sâm Ngọc Linh đang nằm trong vòng vây của các loại sâm giả trà trộn.
Thông tin phát ra từ lãnh đạo đầu tỉnh: “Sâm Ngọc Linh - Kon Tum chưa bán ra thị trường”. Đồng nghĩa, nhiều năm nay, rất nhiều quan chức và doanh nghiệp “cỡ bự” mua trúng sâm ở Kon Tum là giả 90%. Tỉnh Kon Tum đang lên kế hoạch “dán logo” và tem “Chỉ dẫn địa lý” để chống hàng giả.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh chưa được bán ra thị trường, tỉnh Kon Tum vẫn đang còn ươm giống. Ảnh: ĐÌNH VĂN |
Thương hiệu tỉnh, tầm quốc gia
Quảng bá, bảo tồn và đưa sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn đang được Kon Tum tập hợp các sở ban ngành để bàn giải pháp. Tới đây, sẽ có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và không ngoại trừ cả Chính phủ cùng xắn tay giúp.
Giám đốc sở Y tế Kon Tum - ông Đào Duy Khánh - nhấn mạnh: “Khẳng định rằng, sâm Ngọc Linh của chúng ta chưa bán ra thị trường”.
Theo Giám đốc sở NNPTNT Kon Tum - ông Nguyễn Trung Hải, hiện nay đơn vị cấp giấy công nhận về giống sâm Ngọc Linh chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) đó là, Cty Lâm nghiệp Đắk Tô và Cty Duy Tân (Kon Tum). “Trên cơ sở hồ sơ trình lên của 2 Cty này, qua kiểm định, xem xét thủ tục, sở NNPTNT đã công nhận nguồn gốc giống là chính xác”. Ông nói, những cây giống và sâm bán ngoài hai đơn vị này ra, đa số là giả, thường đó là củ tam thất. “Củ tam thất là họ sâm, có hạt, thân và lá rất giống sâm Ngọc Linh, chỉ người trong cuộc trồng sâm Ngọc Linh mới phát hiện được, như tôi đây (Giám đốc sở NNPTNT - PV) nhìn hai cây lẫn lộn ngoài thực tế, không phân biệt được”, ông Hải cho hay.
Tham dự một hội nghị về sâm, ông Hải đặt 7 cây sâm của 7 quốc gia nằm cạnh nhau, nhưng không có cây nào khác cây nào. Do vậy, chỉ có giới chuyên môn mới phân biệt được đó là hàm lượng sâm có trong cây, ở đây là ít nhiều, để cạnh tranh thứ hạng quốc gia. Ở Việt Nam chỉ có Kon Tum và Quảng Nam là trồng được sâm Ngọc Linh. Tại sao chỉ có 2 vùng này trồng được? Theo ông Nguyễn Trung Hải, thứ quan trọng nhất đó là chất đất, thứ hai là độ che phủ của tán rừng, thứ 3 là khí hậu thổ nhưỡng... Nếu đem ra khỏi 2 khu vực này là không thể trồng được, sâm Ngọc Linh được trồng ở độ cao 1.200 - 2.000 mét, đem đến vùng đất khác, cũng trồng y độ cao nhưng không đạt “độ sâm” như thế, có khi cây chết hẳn.
Chống giả thế nào?
Sâm Ngọc Linh nổi tiếng quốc gia, đưa vị thế Kon Tum vươn ra thế giới, đó là điều không thể bàn cãi. Vấn đề cốt lõi, làm thế nào chống sâm giả, đây không phải là quyết sách không phải ngày một, ngày hai.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - bà Trần Thị Tuyết cho biết, tháng 12.2018 tới đây, UBND tỉnh Kon Tum sẽ dán logo, tem Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh. Đây là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm củ có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực CDĐL tại xã Măng Ri, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL. “Mục đích là đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giữ gìn và phát triển uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh, đồng thời chống nạn hàng giả”, bà Tuyết nhấn mạnh. Những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL Ngọc Linh thì được sử dụng logo CDĐL Ngọc Linh, tất cả những hộ sản xuất kinh doanh muốn được cấp logo thì phải nộp đơn vào Hiệp hội sâm của tỉnh Kon Tum.
Phát triển sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế chủ lực đã được đưa vào nghị quyết HĐND tỉnh Kon Tum. Kon Tum đã dự kiến lộ trình hỗ trợ mỗi DN 50 triệu đồng/ha để DN ươm giống và phải liên kết với người dân để trồng. Ràng buộc quản lý, phải trồng trong phạm vi khuôn diện tích đất, vùng đó để dễ kiểm soát. Sau này, DN nào khác muốn trồng thì phải liên hệ với 2 Cty Lâm nghiệp Đắk Tô và Duy Tân để được cung ứng giống và phải qua sự thẩm định của các cơ quan tỉnh Kon Tum. Hai Cty trên chưa bán ra thị trường mà đang còn ươm giống để mở rộng diện tích.
Phó Giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư ông Nguyễn Đình Bắc cũng cho biết, UBND tỉnh Kon Tum đang xúc tiến lựa chọn nhà đầu tư có chủ lực để tinh chế sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum - ông Lê Ngọc Tuấn cho hay, đó cũng là lý do mà từ ngày 5 - 7.9, UBND tỉnh Kon Tum mời các Bộ Y tế, NNPTNT, KHCN, KHĐT và nhiều nhà khoa học phối hợp tổ chức “Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh” để bàn giải pháp phát triển kinh tế do cây dược liệu sâm này mang lại.
Đến năm 2025, sẽ trồng 9.300ha Kon Tum, diện tích sâm Ngọc Linh hiện đang trồng với quy mô 300ha. Kế hoạch phát triển giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, diện tích trồng sẽ thực hiện ở vùng lõi núi Ngọc Linh thuộc 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp của huyện Đắk Glei và 5 xã Đắk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu và Văn Xuôi của huyện Tu Mơ Rông. Đến năm 2025, sẽ trồng hết 9.300ha với quy mô công nghiệp. Hàng năm khai thác bình quân 800ha, đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế Kon Tum. |
Đình Văn (LĐO)