Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, việc mất dấu F0 (bệnh nhân dương tính hoặc được xử lý như dương tính với Covid-19) chắc chắn sẽ xảy ra do các biện pháp cách ly chưa hết những đối tượng có nguy cơ. Vậy, việc mất dấu F0 này nguy hiểm đến mức nào?
Ổ dịch Covid-19 tại bar Buddha vẫn chưa xác định được nguồn lây. |
Bác sĩ Khanh cho biết: “Thực hiện tốt cách ly xã hội sẽ chặt đứt đường lây nhiễm, khi đó nếu F0 ẩn trong cộng đồng, cũng không quá lo ngại bệnh lây lan rộng. F0 lọt lưới, vậy thì người F0 sẽ diễn tiến thế nào? Có 2 diễn tiến, họ đến bệnh viện khi xuất hiện ho nhiều. Còn nguy hiểm hơn khi có người chỉ có biểu hiện ho nhẹ và tự khỏi thì có nguy cơ lây sang những người xung quanh nếu tiếp xúc gần. Nguồn lây không biết F mấy chính là quán bar Buddha (TP.HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trong đó, tại Bệnh viện Bạch Mai tập trung ở căng tin, khoa Thần kinh và nhân viên Công ty Trường Sinh”.
Theo nhận định của bác sĩ Khanh, đến hiện nay, nếu F0 lọt lưới cũng chỉ gây nguy cơ cho người tiếp xúc gần chứ chưa có hiện tượng lây lan diện rộng. Chưa có tình trạng 1 người nhiễm lây cho toàn bộ khu nhà, bởi nếu có thì Bệnh viện Bạch Mai đã bị lây diện rộng. Hơn 6.000 nhân viên Bệnh viện Bạch Mai hầu hết có xét nghiệm âm tính đã chứng minh điều này. Vì thế, việc quan trọng nhất là đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ lây bệnh.
“Đứng cách nhau 2m thì dù có F0 lọt ra cũng không có nguy cơ gây bệnh. Nếu F0 cũng đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài thì không làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, tất cả mọi người cùng phòng ngừa tốt thì có F0 lọt ra ngoài cũng không làm lây lan và bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, mọi người nên thực việc ai ở yên nhà đó để hạn chế dịch bệnh”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Tính đến chiều 2/4, có 41 ca bệnh Covid-19 tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm 3 chùm ca bệnh tại nhà ăn bệnh viện (nhân viên Công ty Trường Sinh và thân nhân bệnh nhân sử dụng dịch vụ tại nhà ăn, 27 ca), Khoa Thần kinh (9 ca), Trung tâm Bệnh nhiệt đới và C4 Viện Tim mạch quốc gia (5 ca, bao gồm nhân viên y tế, thân nhân và bệnh nhân). Nhưng hiện chưa tìm thấy nguồn lây cho tất cả 3 chùm ca bệnh này.
Ban đầu bệnh viện cũng điều tra nguồn lây từ nhân viên y tế, nhưng ngoại trừ 2 nữ điều dưỡng kể trên, hiện toàn bộ các mẫu xét nghiệm của nhân viên y tế đều cho kết quả âm tính. Ngày 1/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành xét nghiệm lần 2 sàng lọc Covid-19 cho khoảng 2.500 nhân viên y tế.
Điều đặc biệt là 2 người bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai, 2 nữ điều dưỡng của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cũng không tìm thấy nguồn lây. Trong đó, bệnh nhân 87 làm nhiệm vụ đón tiếp bệnh nhân đến sàng lọc Covid-19, nhưng toàn bộ bệnh nhân nghi nhiễm chị này tiếp xúc 14 ngày trước đó đều không có ca nào dương tính. Bệnh nhân 86 đi du lịch về và sau đó mắc bệnh, nhưng cũng không có bệnh nhân nào ghi nhận trên chuyến bay.
Ổ dịch tại quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) được đánh giá là một chuỗi lây truyền bệnh Covid-19 với 16 ca liên quan, chỉ có 2 người Việt Nam là nhân viên phục vụ bàn tại quán và chị gái sống cùng nhà với bệnh nhân.
Cho đến thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM vẫn chưa thể xác định được nguồn lây F0 từ ổ dịch bar Buddha. Tuy nhiên, có thể xác định một số ca bệnh xuất phát từ nơi này đã lây lan ra cộng đồng.
Trong số các bệnh nhân người nước ngoài còn lại thì bệnh nhân 91, người Anh, phi công hãng Vietnam Airlines, được phát hiện nhiễm Covid-19 đầu tiên có liên quan đến quán bar Buddha. Có khá nhiều bệnh nhân là giáo viên dạy ngoại ngữ ở một số trung tâm tại TP.HCM. Nhiều người trong số này trước khi tham dự buổi tiệc tại quán bar Buhhda đã có lịch trình di chuyển qua một số nước đang có dịch Covid-19.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)