Tỏi là gia vị quen thuộc của người Việt trong bữa ăn hằng ngày. Trong đông y, tỏi còn là vị thuốc trị một số bệnh hay gặp.
Theo lương y Phạm Như Tá, củ tỏi có vị cay, tính ấm, có công dụng làm ấm tỳ vị, giải độc và sát trùng... Tỏi không chỉ là loại gia vị mà còn có tác dụng như một loại thuốc kháng sinh, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh do vi khuẩn hay vi rút xâm nhập. Tỏi cũng là chất xúc tác giúp vết thương mau lành, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài tính năng chống lại các bệnh tim mạch và ung thư, tỏi còn đem lại hiệu quả cao trong việc phòng và trị chứng cảm lạnh, cảm cúm.
Lương y Phạm Như Tá khuyến cáo: Không dùng tỏi trong trường hợp đang dùng thuốc điều trị chứng máu loãng, hay thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. |
Ngoài ra, theo lương y Phạm Như Tá, tỏi được dùng để điều trị thấp khớp, đau họng, giảm hàm lượng cholesterol cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng bàng quang, các bệnh về gan. Một số nghiên cứu y học hiện đại cũng cho thấy tỏi có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn cư trú trong ổ bụng và làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Trong đông y, tỏi thường được dùng để chữa trị đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng do lạnh, phù thũng, tiêu chảy, bệnh lỵ, sốt rét, viêm loét lâu liền, rụng tóc, nấm tóc…
Trong y học, tỏi được dùng chữa bệnh bằng nhiều cách như: dùng sống, ngâm với rượu, ngâm với giấm ăn, dùng chế biến món ăn cùng các thực phẩm khác… Ngoài ra, không chỉ có bệnh mới dùng mà mỗi ngày dùng 10 gr tỏi sẽ giúp tăng cường khả năng giải độc cho cơ thể. Cách ngâm tỏi với rượu như sau: Tỏi khô 40 gr, bóc vỏ, cắt đôi cho vào lọ thủy tinh ngâm với 0,5 lít rượu trắng. Ngâm 10 ngày, thỉnh thoảng lắc nhẹ lọ, ban đầu rượu ngâm có màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng, đến ngày thứ 10 thì gần giống màu nghệ. Ngày dùng 2 lần: sáng một chung nhỏ trước bữa ăn sáng, tối trước khi đi ngủ.
Khánh Vy (thanhnien)