Đúng là dân gian thường dùng bột làm từ củ sắn dây (y học cổ truyền gọi là vị thuốc cát phấn) để thanh nhiệt, chỉ khát (mát cơ thể). Ngoài ra, y học dân gian còn dùng những bộ phận khác của sắn dây như: củ (gọi là cát căn), hoa (cát hoa), dây (cát căn đằng).
Bột củ sắn dây đem pha với nước lọc, đường, chanh trị chứng cảm nắng đau đầu; hoặc trị kiết lỵ do ăn nhiều thức ăn cay, nóng bằng cách hòa bột với nước cho tan đều, thêm vào một ít đường rồi bắc lên bếp, khuấy đều tay đến khi đặc lại (hay bột đổi màu từ trắng đục sang trong), rồi ăn bột này. Hoặc dùng bột sắn dây, đậu xanh đã cà vỏ, đường, va ni nấu chè dùng giải nhiệt.
Củ sắn dây cạo sạch vỏ ngoài, thái mỏng theo chiều dọc, phơi khô dùng làm thuốc trị cảm nắng, khô cổ khát nước. Mỗi lần nấu từ 8 - 30 gr, có thể nướng (hoặc sao) vàng rồi nấu nước uống. Củ sắn dây đem nướng vàng, sắc hoặc tán bột dùng có tác dụng trị tiêu chảy, hay chướng bụng khó tiêu. Ngoài ra, củ sắn dây tươi đem rửa sạch, luộc ăn sẽ tốt cho tỳ vị và mát cơ thể.
Hoa sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhất là giải rượu, bằng cách dùng 20 - 40 gr hoa (khô) đem nấu nước uống. Hoặc dùng dây sắn đốt (chưa cháy hết) đem tán bột, uống với nước sẽ có tác dụng trị viêm họng, viêm thanh quản cấp tính.
Theo thanhnien