|
Vận chuyển hàng container tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: X.N |
Sau thông tin dồn dập về dấu hiệu bất thường trong tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn (CPH CQN), đặc biệt sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định lại tỉ lệ CP theo hướng Nhà nước nắm quyền chi phối, dư luận đang chờ phản ứng từ nhà đầu tư.
Trong khi đó, Phó TGĐ kiêm Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Nguyễn Thành Nam xác nhận: “Người lao động không thực sự yên tâm”. Trưởng Phòng Kinh doanh Trịnh Xuân Sơn thông báo: “Một số khách hàng có ý kiến; họ dò hỏi tình hình ở cảng ra sao”.
“Quá quyết tâm, muốn gắn bó lâu dài”
Trả lời PV Lao Động chiều 11.9, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP CQN Lê Hồng Thái, người cũng là đại diện cho cổ đông lớn nhất là Cty Khoáng sản Hợp Thành, bày tỏ: CQN sau khi hoàn tất CPH đã tập trung công sức, vốn liếng cho mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn 2010 - 2013, nếu doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ bình quân là 379 tỉ đồng/ năm thì 2014 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu bình quân đã đạt 519 tỉ đồng. Năm 2015, tại thời điểm Nhà nước thoái hết vốn, con số này còn cao hơn, 526 tỉ đồng, tăng 39% so với trước CPH.
Tương tự là lợi nhuận bình quân trước thuế (tăng 290,9%, từ 20,8 tỉ đồng giai đoạn 2010 - 2013 lên 81 tỉ đồng sau CPH và 89 tỉ đồng sau 2015, tăng 330%); nộp ngân sách 38,9 - 41 tỉ đồng/năm, tăng 76 - 83% so với trước CPH); thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 204 - 282%. Do đẩy mạnh tái cơ cấu, đầu tư đổi mới thiết bị, chi phí của doanh nghiệp, của khách hàng đều giảm.
Trước, thời gian giải phóng tàu chở dăm gỗ 5 vạn tấn kéo dài 7 ngày, nay còn 3 ngày rưỡi. Thu nhập người lao động từ 8,5 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên 12,3 triệu đồng năm 2013 và 14,3 triệu đồng năm 2017.
“Nói vậy để thấy công sức và nền tảng của sự chuyển biến mà chúng tôi tạo ra được. Đội ngũ hiện nay ở CQN, dù mới hay cũ cũng đều gặp nhau ở điểm chung: Thúc đẩy cảng phát triển trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Mấy năm tâm huyết tạo dựng nên diện mạo mới cho doanh nghiệp, giờ hỏi chúng tôi có quyết tâm nữa không, có tiếp tục hay không thì phải xác định là chúng tôi quá quyết tâm, quá muốn gắn bó lâu dài. Chưa có thành quả, chúng tôi chăm chút tạo ra thành quả. Có thành quả rồi thì càng thêm động lực làm cho nó sum suê, nảy nở thêm lên” - ông Thái cho hay.
Liên quan đến chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm phương án để Nhà nước trở lại “nắm” CQN, ông Thái cho biết: “Vì lợi ích quốc gia, không riêng chúng tôi mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nghĩa vụ thực hiện”.
Trả lời câu hỏi: “Ông nghĩ gì khi lãnh đạo Bình Định liên tục quan ngại về việc mất quyền kiểm soát cảng và ảnh hưởng của việc tư nhân hóa cảng tới khả năng đảm bảo an ninh - quốc phòng?”, ông Thái khẳng định: “Tôi báo cáo rõ ràng với lãnh đạo địa phương, rằng chúng tôi chỉ thuần túy đầu tư cung ứng dịch vụ cảng, dịch vụ khách hàng và sẵn sàng mở 100% cho cơ quan chức năng Bình Định thực thi công vụ.
Ngay hôm nay, chậm nhất là ngày mai (12.9), tôi sẽ ký văn bản mời đại diện Thành ủy Quy Nhơn giữ 1 ghế ủy viên HĐQT, Phó TGĐ hoặc Phó Bí thư thường trực Đảng ủy để lãnh đạo địa phương có thể trực tiếp giám sát, hỗ trợ, định hướng chúng tôi. Ở CQN, mọi thứ đều minh bạch. Chúng tôi không có gì phải giấu giếm”.
Trước đó, ngày 10.9, chủ trì hội nghị giao ban tháng 9, ông Thái tuyên bố: “Đầu tư của Hợp Thành vào CQN là đúng pháp luật. Giai đoạn mua CP lần đầu, Hợp Thành hội đủ điều kiện do Vinalines đặt ra cho nhà đầu tư chiến lược và đấu giá thành công, đúng giá thị trường. Việc nhận chuyển nhượng CP từ Vinalines khi thoái vốn cũng đúng chủ trương của Chính phủ”.
“Khách hàng tăng 30%”
Trưởng Phòng Kinh doanh Trịnh Xuân Sơn dẫn số liệu so sánh: “Trước CPH, bình quân 1 năm CQN làm 5,45 triệu tấn hàng, sau CPH, sản lượng bình quân 7,3 triệu tấn, tăng 34%; khách hàng cũng tăng 30%/năm, từ 395 - 400 lên 510 - 520. Nhiều khách hàng cũ quay trở lại. Không ít doanh nghiệp tên tuổi chọn CQN làm điểm xuất - nhập hàng hóa mấy năm gần đây như Tôn Hoa Sen, Ximăng Vissai, Ximăng Hải Vân, Phúc Sơn, Thành Thành Công.
Từ bộ phận container, đội trưởng Nguyễn Tiến Dũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của nguồn hàng này, “mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18% sản lượng và 38% doanh thu. Trước CPH, khách hàng sử dụng dịch vụ container chỉ quẩn quanh nhóm doanh nghiệp Bình Định thì nay CQN thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp Tây Nguyên, Phú Yên, Quảng Ngãi... Năm 2013 trở về trước, CQN xác lập hợp đồng dịch vụ container với 70 doanh nghiệp thì 2017 con số này là 131 và sang năm 2018 là gần 150 doanh nghiệp”.
Theo Trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Vũ Ngọc Thái, thời kỳ 2010 - 2014, tổng mức đầu tư ở CQN là 193,6 tỉ đồng. Từ 2014 đến nay, quy mô đầu tư là 280 tỉ đồng. Trước CPH, mỗi năm tài sản ở CQN tăng trung bình 48 tỉ đồng, sau CPH tăng 60 tỉ đồng, tăng 25%. Từ khi Nhà nước thoái hết vốn, tốc độ tăng tài sản hàng năm còn cao hơn, tới 65%, tức 80 tỉ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, dù duy trì tăng trưởng, song mức độ tăng trưởng hàng hóa hàng năm của CQN chưa cao. Mức đầu tư chưa tương xứng với kỳ vọng phát triển theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngày 10.6, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình hoạt động của CQN, ông Thắng hối thúc Cty CP CQN tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và mở rộng cảng theo quy hoạch đã được duyệt. Một trong những ưu tiên của chính quyền Bình Định hiện nay là cảng cần được “đầu tư hợp lý để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của KCN Becamex Bình Định”. X.N |
Xuân Nhàn (LĐO)