Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), lan đột biến nếu ngoài tự nhiên thì cực hiếm vì trong hàng triệu triệu cây mới có một cây. Nhưng dù hiếm thì việc lan đột biến được giao dịch với giá trên trời cũng là việc rất khó hiểu.
Triệu triệu cây mới có một cây lan đột biến ngoài tự nhiên
Là chuyên gia nghiên cứu trong ngành nuôi cấy mô, TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ông không hiểu vì lý do gì mà lan đột biến lại được đẩy giá "trên trời" như vậy.
Những cuộc giao dịch, mua bán lan đột biến trị giá lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được coi là "không tưởng".
"Đúng là lan đột biến rất hiếm bởi đây là loại lan có sự thay đổi về màu sắc, cánh môi, tỷ lệ đột biến rất thấp, có khi hàng triệu hàng triệu cây mới có một cây đột biến ngoài tự nhiên, qua bao nhiêu thế hệ lai chéo mới tạo ra được màu sắc, hình thái như thế" - TS Nguyễn Xuân Trường nói.
|
TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ông không hiểu vì lý do gì mà lan đột biến lại được đẩy giá "trên trời" như vậy. |
Chuyên gia ngành sinh học nông nghiệp ví von, cũng giống như loài cá heo bạch tạng, hàng triệu con mới có một con, lan đột biến do nhiều tác nhân trong tự nhiên tác động mà thành.
"Tuy nhiên, đó là do quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới hiếm, còn theo tôi quan sát những loại lan do con người tác động để lai tạo đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội thì không thể coi là quý hiếm được" - TS Trường nói.
Về những cuộc giao dịch lan đột biến với mức giá không thể tưởng tượng được, TS Nguyễn Xuân Trường cho biết, không hiểu sao giá lại lại cao đến thế, tuy nhiên theo ông Trường, đã có nhiều người giàu lên, nhưng cũng có người tán gia bại sản vì lan đột biến.
Về quy trình nhân cấy lan đột biến bằng công nghệ nuôi cấy mô, ông Trường cho rằng, về cơ bản là nhân được.
Còn các loại lan phi điệp đột biến đang được giao dịch rầm rộ trên thị trường hiện nay là do quá trình nhân chồi, cắt đoạn.
Giao dịch lan đột biến toàn giá "trên trời"
Liên tiếp những ngày gần đây lại xuất hiện nhưng vụ trao đổi, mua bán lan đột biến giá lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
|
Thông tin những cuộc giao dịch lan đột biến tại Quảng Ninh với giá trị giao dịch lên đến 288 tỷ đồng. Ảnh: Facebook. |
Ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến không khỏi kinh ngạc trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan var Ngọc Sơn Cước tại Vườn lan Var Đất Mỏ (Mạo Khê, TP.Đông Triều, Quảng Ninh). Điều đáng nói, giá trị của thương vụ này lên đến 250 tỷ đồng.
Theo thông tin trên Facebook của người thực hiện 3 cuộc giao dịch lan phi điệp đột biến có tên Nguyễn Văn Minh thì tổng giá trị của đợt chuyển nhượng, mua bán lan đột biến này lên đến 288 tỷ đồng.
Trong đó riêng 1 cây Ngọc Sơn Cước đã có giá 250 tỷ đồng; 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng; 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 15/3, Vườn lan Var Đất Mỏ còn chuyển giao thêm 1 kie hồng Chương Chi với giá 15 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/3/2021, một thương vụ chuyển giao lan phi điệp đột biến Bảo Duy 5 cánh trắng tại Hà Nam cũng gây xôn xao dư luận khi giá trị chuyển nhượng lên đến gần 19 tỷ đồng.
Mọi hình ảnh về cây lan đột biến, số tiền, người chuyển nhượng được chia sẻ trên Facebook như cho thấy tính chân thực của cuộc chuyển nhượng.
Ngày 11/3/2021, sự kiện chuyển nhượng lan Var tại TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cũng khiến nhiều người choáng váng khi giá trị chuyển nhượng lên đến 45 tỷ đồng cho vài cây lan mỏng manh.
Theo Khánh Nguyễn (Dân Việt)