Chức vô địch Asian Cup có giúp đội tuyển Qatar trở thành thế lực châu Á?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hai danh hiệu vô địch Asian Cup liên tục cho thấy đội tuyển Qatar ngày càng tiến gần đến nhóm 5 anh hào châu lục, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ả Rập Xê Út và Úc.

Thắng là thắng

Chiến thắng với tỷ số 3-1 của Qatar trước Jordan ở chung kết Asian Cup 2023 bị trở thành đề tài đàm tiếu bởi nhiều lý do.

Những quyết định nhạy cảm của trọng tài Ma Ning cùng VAR, 3 quả phạt đền được thổi trong trận chung kết (dành cho một đội duy nhất) vốn là điều hiếm khi xảy ra, cũng như lối chơi kém thuyết phục của Qatar. Ngoài 3 tình huống ghi bàn bằng phạt đền, Qatar chơi không hay hơn Jordan. Thậm chí, chủ nhà còn bị dồn ép.

Qatar vô địch Asian Cup 2023

Qatar vô địch Asian Cup 2023

Tuy nhiên, giữa những dòng tranh luận chủ lưu đầy cảm tính của người hâm mộ, hãy nhìn nhận cả 3 quả phạt đền mà Qatar được hưởng trước Jordan. 2 tình huống đầu là những pha ngoặt bóng cắt chéo từ rìa vòng cấm vào trung lộ để "gài chân" đối thủ, trong khi ở pha bóng cuối, Akram Afif đã chủ động lao vào thủ môn Jordan để kiếm quả phạt đền, ở thời điểm hàng hậu vệ Jordan còn đang lưỡng lự khi cho rằng số 11 của Qatar đã việt vị.

Đội tuyển Qatar đã chủ đích kiếm phạt đền mọi lúc có thể, và chỉ có thể khẳng định, chủ nhà đã tinh quái hơn Jordan chỉ trong một vài khoảnh khắc. Việc gài chân đối thủ trong vòng cấm để tìm quả 11 m không phải điều xa lạ trong bóng đá. Ở trận gặp đội Úc, Son Heung-min cũng mang về quả phạt đền cho Hàn Quốc ở phút 90+5, trong tình huống anh thừa nhận cố tình khiến đối thủ phải phạm lỗi.

Vấn đề của Qatar chỉ là... có quá nhiều tình huống gài phạt đền kiểu như vậy khiến trận chung kết chẳng phải màn trình diễn bóng đá mà cả châu Á chờ đợi. Jordan quá ngây thơ, còn Qatar không cần đẹp, miễn là thắng. Sự lọc lõi của đội bóng này được "tinh luyện" từ cả thành công (vô địch Asian Cup 2019) lẫn thất bại ê chề, khi toàn thua ở vòng bảng World Cup 2022. Một thất bại mà nhiều người mỉa mai, Qatar bỏ tiền tấn tổ chức World Cup chỉ để có bài học kéo dài vỏn vẹn 3 trận.

Nhìn tổng thể, chức vô địch Asian Cup 2023 của Qatar không thuyết phục bằng năm 2019. 5 năm trước, Akram Afif cùng đồng đội đã đăng quang với thành tích vô tiền khoáng hậu: toàn thắng. Qatar thắng rất nhiều đội mạnh, trong đó có Ả Rập Xê Út (2-0), Iraq (2-0), Hàn Quốc (1-0), UAE (4-0), trước khi thắng nốt Nhật Bản (3-1) để vô địch. Thậm chí đến chung kết, thầy trò HLV Felix Sanchez mới thủng lưới lần đầu.

Qatar tinh quái và lọc lõi hơn Jordan

Qatar tinh quái và lọc lõi hơn Jordan

Còn tại Asian Cup 2023, Qatar đã thắng những trận gây tranh cãi như trước Tajikistan (1-0), Jordan (3-1), khó nhọc vượt những đội ngang đẳng cấp như Uzbekistan hay Iran, đều nhờ khoảnh khắc cá nhân hoặc đối thủ tự mắc sai sót. Tuy nhiên, đó là bóng đá. Kết quả là quan trọng nhất, có thể phủ mờ những hoài nghi (không có căn cứ), tranh cãi và cả những nuối tiếc.

Vươn lên nhóm đầu châu Á? Chưa đâu!

Chức vô địch Asian Cup 2023 giúp Qatar trở thành đội tuyển thứ năm bảo vệ thành công danh hiệu số 1 châu Á. Nhưng liệu chiến công này đã giúp đội bóng của HLV Tintin Marquez sánh ngang với những hảo thủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Iran và Úc?

Chắc chắn là chưa. Bởi lẽ, Asian Cup không phải thước đo duy nhất. Tần suất dự World Cup (cùng dấu ấn tạo ra ở sân chơi này), số lượng siêu sao, chất lượng giải vô địch quốc gia, đẳng cấp CLB, văn hóa bóng đá... mới là những yếu tố tổng hòa để tạo nên một cường quốc bóng đá, thay vì một vài danh hiệu thuần túy.

Trước khi đăng cai World Cup 2022, Qatar thậm chí chưa từng được dự World Cup. Đại diện Tây Á có đôi lần lọt vào vòng loại cuối, nhưng thường xếp một trong hai vị trí cuối. Ở các giải trẻ, thành tích bóng đá Qatar tương đối nghèo nàn: chưa từng vô địch U.23 châu lục, chưa từng có vé đi Olympic.

Đội tuyển Qatar cần thêm chiến tích để bắt kịp nhóm đầu

Đội tuyển Qatar cần thêm chiến tích để bắt kịp nhóm đầu

Tại cấp độ CLB, những đại diện Qatar như Al-Sadd, Al Duhail, Qatar FC, Al-Rayyan... khó sánh bằng những quyền lực của Nhật Bản, Hàn Quốc. Về số cầu thủ đang chơi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc hay Iran đều có tối thiểu 10 gương mặt. Còn với Qatar, toàn bộ cầu thủ dự Asian Cup 2023 đang... đá ở trong nước.

Thành công của Qatar trong 5 năm qua đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, lứa cầu thủ tài năng được đào tạo ở Học viện Aspire, trong đó nổi bật có Akram Afif và Almoez Ali, đã phát triển tốt và trở thành trụ cột đội tuyển. Tại Asian Cup 2019, Ali là vua phá lưới, Afif là vua kiến tạo. Còn ở giải năm nay, Afif đoạt ngôi vua phá lưới với 8 bàn, ẵm luôn danh hiệu cầu thủ hay nhất giải.

Việc tập trung vào đào tạo trẻ, phát triển những viên ngọc thô là chiến lược khôn ngoan mà Qatar đã làm trong 15 năm qua. Ngoài ra, Qatar cũng phát triển rất mạnh hạ tầng bóng đá, không chỉ nhằm phục vụ World Cup, mà còn để tạo nền móng cho tương lai.

Với dân số vỏn vẹn 2,7 triệu người, không có truyền thống thể thao, rất khó tin nếu Qatar có thể vươn lên ngang bằng với các cường quốc châu Á đã đi trước 20, 30 năm như Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau lứa tài năng của Afif, Ali, bóng đá Qatar có thêm lứa cầu thủ nào thay thế, hay sẽ lụi tàn? Đó là câu chuyện của tương lai.

Để vươn lên hàng ngũ "đại gia" châu Á, Qatar buộc phải duy trì sự hiện diện ở World Cup, có thêm thành tích tại giải trẻ (như vòng chung kết U.23 châu Á tới đây), và có lẽ cần thêm những ngôi sao thực thụ xuất ngoại. Để cất cánh, đội tuyển Qatar cần nhiều hơn một đường băng như Asian Cup.

Có thể bạn quan tâm