(GLO)- Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, huyện Krông Pa đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực, chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phòng-chống, quyết tâm không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch.
Phun hóa chất diệt muỗi vằn tại các khu vực đông dân cư ở thị trấn Phú Túc. Ảnh: Q.N |
Hiện nay, huyện Krông Pa chưa bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa nên sốt xuất huyết chưa bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cũng có hàng chục ca sốt xuất huyết rải rác ở các địa phương. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã ghi nhận 17 trường hợp sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở các địa phương có mật độ dân cư đông mà hàng năm luôn có bệnh nhân sốt xuất huyết, như các xã: Chư Gu, Chư Rcăm, Ia Rsươm và thị trấn Phú Túc. Ngoài ra, việc đi lại của nhân dân giữa các địa phương trong tỉnh cũng góp phần tăng thêm số ca và mang mầm bệnh về địa phương. Chính vì vậy, việc phòng-chống sốt xuất huyết ngay từ bây giờ là việc làm thường xuyên của ngành Y tế, đặc biệt là trong thời điểm này khi sốt xuất huyết tăng đột biến ở khu vực Tây Nguyên trong đó có tỉnh Gia Lai.
Theo dự báo, vì mùa mưa đến muộn hơn mọi năm, bệnh sốt xuất huyết có thể sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới nên cứ mỗi tháng một lần, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đi khảo sát, điều tra mật độ muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại các ổ dịch nhỏ lẻ hoặc các điểm có bệnh nhân mới mắc sốt xuất huyết. Ở những đợt điều tra này, cán bộ y tế cũng trực tiếp gặp, tư vấn và phát nhiều tờ rơi hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng-chống sốt xuất huyết.
Là nơi tập trung đông dân cư sinh sống nên thị trấn Phú Túc cũng là địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết cao với nhiều ổ dịch nhỏ lẻ. Tại các ổ dịch, ngành Y tế địa phương đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi và cử cán bộ đến tận nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chủ động phòng-chống dịch với phương châm: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng-chống sốt xuất huyết. “Nhà mình có một con gái bị sốt nên mình rất lo. Nay được cán bộ xuống phun thuốc diệt muỗi, còn hướng dẫn bà con mình cách dọn dẹp vệ sinh, lật úp các vật dụng chứa nước nhỏ mà hồi giờ mình không ngờ tới. Giờ mình biết rồi, không cho muỗi vằn có nơi đẻ trứng mọi người sẽ không bị sốt nữa”-chị Ksor HLinh (tổ dân phố 4, thị trấn Phú Túc) nói.
Để chủ động trong công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết, ngày 29-8-2016, UBND huyện Krông Pa đã ban hành Văn bản số 1085/UBND-VX về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng-chống sốt xuất huyết. “Về hóa chất, thiết bị cũng như thuốc để xử lý cho bệnh nhân, chúng tôi có đầy đủ. Đặc biệt, sau tập huấn ở Đak Lak, chúng tôi có chuẩn bị thêm một số thuốc dung dịch cao phân tử để xử trí những trường hợp choáng, không để diễn biến nặng. Đặc biệt, về hóa chất thì chúng tôi đã được hỗ trợ 45 lít đủ để cấp cho 15 điểm phải xử lý môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được hỗ trợ thêm hai máy phun. Như vậy, về nhân lực, vật lực chúng tôi đã cơ bản để có thể xử lý dịch sốt xuất huyết trên địa bàn”-bác sĩ Đinh Viết Bửu khẳng định.
Quang Ngọc