(GLO)- Sáng 28-12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Võ Ngọc Thành chủ trì điểm cầu tại tỉnh Gia Lai.
Năm 2019 (từ ngày 15-12-2018 đến ngày 14-12-2019), cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí: giảm 939 vụ (giảm 5,06%), giảm 587 người chết (giảm 7,15%) và giảm 934 người bị thương (giảm 6,42%). Đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay. Số người chết do TNGT trong năm 2019 ở mức dưới 8.000 người-chỉ tương đương với mức năm 2000-mặc dù số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần. Cả nước có 55 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm so với năm 2018, trong đó có 5 tỉnh giảm trên 30% số người chết; 5 địa phương tăng số người chết do TNGT so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong năm đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa |
So với 63 tỉnh, thành trên cả nước, Gia Lai đứng thứ 8 về số vụ TNGT, đứng thứ 6 về số người chết và số người bị thương. Theo đó, toàn tỉnh xảy ra 376 vụ TNGT (giảm 20 vụ), làm chết 235 người (giảm 13 người), bị thương 372 người (giảm 42 người). Trong đó, có 10 địa phương giảm số người chết vì TNGT và 6 địa phương tăng số người chết: Kông Chro, Ia Grai, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa và Kbang. Tỉnh đã thực hiện thành công trong việc kéo giảm các chỉ số TNGT giảm 5-10% theo mục tiêu đề ra và là năm thứ 4 liên tiếp kéo giảm TNGT.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tình hình TNGT có thời điểm còn diễn biến phức tạp, số người chết còn ở mức cao, TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng gia tăng (xảy ra 6 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng: Chư Sê , Ia Grai (2 vụ), TP. Pleiku và Chư Pưh (1 vụ). TNGT liên quan đến người lái xe mô tô gây ra chiếm 88,3%, TNGT do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện chiếm 92,56%, TNGT thường xảy ra vào khung giờ 17 đến 22 giờ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của hệ thống chính trị cả nước trong việc thực hiện kéo giảm TNGT; trong đó biểu dương nỗ lực của 55 địa phương đã kéo giảm thành công các chỉ số TNGT. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo: Trong thời gian đến, các ngành và địa phương phải tập trung xử lý dứt điểm các “điểm đen” về TNGT, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông; kêu gọi mỗi người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy và quy định mới nhằm phòng chống tác hại của rượu bia “Đã uống rượu, bia không lái xe”…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về ATGT nhằm nâng cao tính răn đe; siết chặt an ninh, an toàn hàng không, chú trọng nâng cấp hạ tầng hàng không; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe… Đặc biệt, dịp cao điểm vận tải hành khách Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT, hạn chế TNGT và ùn tắc giao thông, tăng cường vận tải hành khách, không để tình trạng nhồi nhét khách, thu giá vé cao hay người dân không có vé về quê ăn Tết…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chính thức phát động thực hiện Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”.
Lê Hòa