Du lịch tâm linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngôi chùa, từ lâu, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đại đa số người Việt. Đi lễ chùa, với nhiều người không hẳn vì tín ngưỡng-tôn giáo mà còn là để vãn cảnh, thưởng ngoạn nét kiến trúc độc đáo, tinh xảo hay đơn giản chỉ là trải mình trong không gian thanh tịnh, an lạc chốn cửa thiền. Và cũng từ đó, loại hình du lịch tâm linh ra đời, điểm đến là những nơi mà con người có thể gửi gắm niềm tin cùng ước vọng.

Tại Gia Lai, du lịch tâm linh vẫn chưa có gì nổi bật, trong khi đó trên địa bàn Phố núi có khá nhiều ngôi chùa cổ kính, mang nét kiến trúc đặc trưng riêng của mảnh đất Tây Nguyên. Trong số ấy có thể kể đến là Chùa Minh Thành (đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku) và Chùa Bửu Minh (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah).
 

Bảo tháp Xá Lợi. Ảnh: Hồng Thi
Bảo tháp Xá Lợi. Ảnh: Hồng Thi

Nét thanh tịnh giữa lòng Pleiku

Cách trung tâm hành chính TP. Pleiku khoảng 2 km về phía Tây Nam, chùa Minh Thành là một trong những ngôi chùa lớn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Với nét kiến trúc độc đáo, nơi đây là điểm tham quan mà du khách không nên bỏ qua khi đặt chân đến Phố núi.

Chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1964 và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của Phật tử trong vùng. Gần 20 năm được trùng tu, xây dựng (từ năm 1997) dựa trên nguồn kinh phí chủ yếu từ công đức, các hạng mục công trình của chùa Minh Thành đã và đang dần được hoàn thiện. Nếu chỉ mới đặt chân đến ngôi chùa này lần đầu, chắc hẳn du khách sẽ bị choáng ngợp trước kiến trúc rộng lớn, đẹp đẽ mà uy nghi nơi đây. Ngôi chánh điện cao 16 mét với trần nhà làm bằng gỗ pơ-mu; cửa gỗ (được xem lớn nhất nhì Việt Nam) với chiều cao 6 mét, dày 4 tấc, chạm trổ tinh xảo 6 vị đại Bồ tát. Bên trong chánh điện, bàn thờ phật nằm giữa, 4 pho tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay đặt ở 4 góc. Hơn 3.000 bức tượng Phật khác được bày trí áp vách, trong đó có 18 tượng La Hán được làm bằng gỗ mít và sơn vàng rất đẹp mắt.

 

Tượng A Di Đà giữa hồ liên trì, liễu rũ bao quanh. Ảnh: Hồng Thi
Tượng A Di Đà giữa hồ liên trì, liễu rũ bao quanh. Ảnh: Hồng Thi

Nằm đôi bên tả-hữu trước chánh điện là ngọn tháp chuông và tháp tổ khai sơn. Bên trái chùa là bảo tháp Xá Lợi cao 70 mét, gồm 9 tầng với hai màu vàng, đỏ chủ đạo, vút cao giữa trời xanh đầy lộng lẫy và uy nghiêm.

Bên cạnh đó, hồ Liên trì với sen hồng nở bốn mùa và rặng liễu rũ bao quanh cũng là điểm nhấn thu hút du khách khi ghé thăm chùa. Khung cảnh rất đỗi nên thơ ấy khiến lòng người cảm thấy dịu mát và nhẹ hẫng. Giữa hồ là bức tượng Di Đà bằng đá cẩm thạch trắng, cao 7,5 mét và nặng khoảng 40 tấn. Các khu vực khác nhau trong chùa được phân cách bằng dãy hành lang vắt ngang hay những bậc thang dài thoai thoải với nét kiến trúc rất hài hòa. Tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn giữa lòng Phố núi.

Chùa Biển Hồ trà

 

Chùa Bửu Minh lúc chiều tà. Ảnh: Hồng Thi
Chùa Bửu Minh lúc chiều tà. Ảnh: Hồng Thi

Ấy là cái tên mà người dân bản địa hay dùng để gọi ngôi cổ tự nằm cách trung tâm TP. Pleiku tầm 15 km về phía Bắc: Chùa Bửu Minh. Sở dĩ có tên gọi ấy là vì ngôi chùa nằm trong vùng đồi chè bạt ngàn thuộc khu vực Biển Hồ. Đây là nơi lý tưởng để du khách đặt chân đến cho một chuyến du ngoạn kết hợp giữa tâm linh và sinh thái với những cảnh quan gần đó như: Biển Hồ, đồng trà hơn 600 ha, hàng thông cổ thụ dịu mát quanh năm…

Theo tài liệu còn để lại, tiền thân của chùa là chùa Phật học, được khai sơn vào khoảng năm 1935-1936. Năm 1947, chùa bị hư hỏng hoàn toàn và sau đó được Phật tử địa phương xây dựng lại vào năm 1961, mang tên chùa Bửu Minh với kiến trúc chữ Đinh trên diện tích 160 m2. Từ năm 2003, Thượng tọa Thích Giác Tâm-đời trụ trì thứ 5 và là trụ trì hiện tại của chùa-đã tiến hành đại trùng tu ngôi chùa với kiến trúc hiện đại, quy mô.

 

Khu thờ chánh điện. Ảnh: Hồng Thi
Khu thờ chánh điện. Ảnh: Hồng Thi

Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép nhưng rất mềm mại, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc chùa ở miền Bắc, miền Trung nước ta với kiểu dáng chùa Đài Loan và Nhật Bản. Nét riêng khác biệt ở ngôi cổ tự này là chùa gần như hình vuông và chỉ có một đòn giông duy nhất với mái cong mềm, có độ dốc như mái nhà rông Tây Nguyên.

Không gian sân chùa được cách điệu bởi những ngôi tháp nhỏ đặt nối tiếp nhau cùng với chiếc cầu dài hơn 4 mét dẫn vào nơi đặt tượng Phật nằm dài 11 mét. Góc sân trái đặt tượng Quán Thế Âm đứng trên đài sen, phía sau tượng là chiếc lục bình đúc cao gần 8 mét cắm hoa sen sơn vàng; bên phải là tượng Thích Ca trong thế ngồi thiền. Hai bên tam cấp dẫn vào chánh điện là cặp rồng trong thế rồng chầu dài hơn 8 mét và cao 2,5 mét. Ngôi chánh điện rộng 520 m2, cao 25 mét. Gian chính thờ tượng Phật Thích Ca bằng đá cẩm thạch trắng cao hơn 3 mét; phía trước thấp hơn là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay được làm từ gỗ mít tinh xảo, ngoài nhũ vàng, được phục chế lại từ nguyên mẫu tượng Bồ Tát của chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Trong chánh điện còn có một số tượng như Phật A Di Đà, Quán Thế Âm cùng các vị bồ tát khác. Tông màu chủ đạo của chùa là nâu gỗ, ruốc nhạt, tạo cho du khách cảm giác sáng sạch, ấm cúng và không u tịch.

Ngoài ra, tại chùa vẫn còn 4 cây sứ gần 100 năm tuổi và di tích ngôi Sơn Hải Miếu vẫn vẹn nguyên những pho tượng cổ từ buổi sơ khai của ngôi chùa.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.