Nâng tầm giá trị cà phê Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để sản xuất cà phê. Tận dụng những lợi thế đó, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư đưa cà phê trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mặt hàng này dần tiếp cận với các thị trường khó tính trên thế giới.
Nhắc tới cà phê Gia Lai, người ta thường nghĩ ngay đến cà phê Robusta. Loại cà phê này được mệnh danh là “Chiến binh rô bốt” với hương vị mạnh mẽ, lôi cuốn đầy hứng khởi. Bén rễ Gia Lai từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, cà phê Robusta đang dần trở thành đặc sản dưới bàn tay chế biến sáng tạo và tài hoa của những doanh nghiệp sản xuất cà phê rang xay tại địa phương.
“Chiến binh rô bốt” của Gia Lai
Vào đầu thế kỷ XX, cà phê được trồng thử nghiệm ở một số tỉnh như: Tuyên Quang, Lạng Sơn và Ninh Bình, Đak Lak. Và tới cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cây cà phê mới bắt đầu được trồng đại trà tại Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Có 3 loại cà phê là Liberica (cà phê mít), Arabica (cà phê chè) và Robusta (cà phê vối) được người dân đưa vào trồng. Trong số này, cà phê Robusta thích hợp hơn cả với thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, cho năng suất vượt trội nên được người dân tập trung phát triển, diện tích theo đó nhanh chóng tăng lên. 
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 97.200 ha cà phê, trong đó có gần 83.200 ha đang kinh doanh, còn lại là diện tích tái canh và trồng mới. Năng suất cà phê bình quân ước đạt 28-29 tạ nhân/ha. Trong đó, Đak Đoa là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với hơn 27.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện (chiếm hơn 55% diện tích sản xuất nông nghiệp), giúp kinh tế địa phương phát triển ổn định. Đây cũng là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân”. 
Điều đặc biệt để “định vị” cà phê Robusta Gia Lai chính là lượng cafein vượt trội so với cà phê cùng loại trồng ở các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku) cho biết, cây cà phê có lượng cafein cao, chế biến ra có hương vị đậm đà hơn thường tập trung ở các huyện như Chư Sê, Đak Đoa, còn ở Ia Grai, Chư Prông thì hương vị ít đậm hơn một chút. Tuy nhiên, sự khác biệt này chỉ những ai sành sỏi hoặc người trong ngành mới có thể nhận ra.  
Thay đổi tư duy chăm sóc
Theo tổng hợp của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 50 doanh nghiệp, cá nhân rang xay, chế biến khoảng 3,5% sản lượng cà phê của địa phương để cung cấp cho người tiêu dùng. Lượng cà phê còn lại được sơ chế bán cho các doanh nghiệp, cá nhân xuất khẩu nên giá trị gia tăng không cao, nhất là những năm gần đây, giá cà phê nhân khá thấp. Việc tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê như hiện nay chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, hộ sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. 
Tỉnh ta đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong tỉnh đã được tuyên truyền và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP. Việc liên kết này nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất cà phê. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Tỉnh hết sức quan tâm đến việc phát triển cây cà phê vì có thị trường tiêu thụ rộng, xuất sang thị trường các nước châu Á, châu Âu, Mỹ. Thời gian qua, chúng ta đã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C được 12.000 ha; ngoài ra phát triển theo hướng VietGAP, organic với 45 ha đã được cấp giấy chứng nhận”. 
Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê tại Gia Lai đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhằm thâm nhập các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Ảnh: Đ.T
Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê tại Gia Lai đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhằm thâm nhập các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Ảnh: Đ.T
Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 38 mô hình điểm về sản xuất và tái canh cà phê bền vững tại các huyện trọng điểm như: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pah và Mang Yang. Đồng thời, tổ chức 231 lớp tập huấn, cấp chứng nhận về kỹ thuật sản xuất và tái canh cà phê bền vững cho gần 8.400 hộ nông dân, trong đó có gần 4.000 hộ dân tộc thiểu số. Ông Trần Thiện Văn (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao do Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring (xã Ia Tiêm) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê kinh doanh đã nhiều năm. Niên vụ này, tôi tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao với diện tích 1 ha. Sau khi sử dụng phân sinh học được hỗ trợ để bón cho vườn cây, tôi nhận thấy diện tích cà phê này phát triển tốt hơn so với số còn lại. Tôi đang bắt đầu thu hoạch 1 ha cà phê tham gia mô hình, năng suất dự kiến đạt 6 tấn nhân, cao hơn rất nhiều so với trước. Sau vụ thu hoạch này, gia đình sẽ đầu tư sản xuất 2 ha còn lại theo quy trình canh tác chất lượng cao”. 
Với nhu cầu của thị trường hiện nay thì việc đầu tư phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững là hướng đi đúng, giúp người nông dân có thu nhập ổn định từ loại cây trồng chủ lực này. Đây cũng là điều đang được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương hết sức quan tâm để hướng dẫn, vận động người dân thực hiện. 
Nỗ lực tiếp cận thị trường khó tính

Ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam: Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu cũng cần được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đúng mức. Để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước… Các doanh nghiệp hiện nay có thế mạnh là đón đầu tốt các xu hướng thương mại hiện đại, tận dụng hiệu quả phương pháp bán hàng qua thương mại điện tử và đang dần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đây là tiền đề để doanh nghiệp cà phê phát triển bền vững trong tương lai.


Hiện nay, Việt Nam có lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil. Riêng mặt hàng cà phê Robusta, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu với khoảng 14% thị phần toàn cầu. Đối với Gia Lai, cà phê từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cà phê luôn được chính quyền, ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm. Theo tổng hợp của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê luôn chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài thị trường châu Á, cà phê Gia Lai hiện đã có mặt tại những thị trường khó tính như: Mỹ, EU…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương), các sản phẩm cà phê xuất khẩu của tỉnh phần lớn là chế biến thô, chưa tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Điều này đặt ra cho ngành cà phê của tỉnh những nhiệm vụ hết sức rõ ràng nhưng cũng vô cùng khó khăn, đó là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng sản xuất tập trung và áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng bảo đảm ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Trung Hiếu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam. Trong số này, chỉ có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đặc biệt chú trọng tới vấn đề xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững, luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao nhằm thâm nhập vào các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Và với hướng đi này, Vĩnh Hiệp đã dần khẳng định vị trí “cánh chim đầu đàn” của tỉnh trong xuất khẩu cả cà phê nhân xô lẫn cà phê rang xay sang các thị trường khó tính.
Dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ những chính sách mở cửa thị trường, tác động của FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Những hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội để những “Chiến binh rô bốt” của Gia Lai có thể thâm nhập và mở rộng thị trường mới. 
Nhóm Phóng viên

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.