TP. Pleiku: Tăng cường kiểm soát chất lượng thịt heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)_ Kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở huyện Chư Pưh, lượng thịt heo tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn TP. Pleiku đã giảm đáng kể do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Trong khi đó, lượng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng tại các siêu thị bán ra lại tăng. Điều này cho thấy, nếu ngành chức năng làm tốt công tác kiểm soát chất lượng thịt heo thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng với sản phẩm này.
Nơi ế ẩm, chỗ tăng lượng thịt bán ra 
Thời gian qua, khi nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện dịch tả heo châu Phi, thị trường tiêu thụ thịt heo ở TP. Pleiku đã giảm sút đáng kể. Việc kinh doanh thịt heo của tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố càng thêm ảm đạm khi mới đây, dịch tả heo đã xuất hiện tại huyện Chư Pưh. Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh-tiểu thương ở chợ Hoa Lư-chia sẻ: “Trước đây, bình quân mỗi ngày, tôi bán khoảng 80-100 kg thịt heo các loại. Nhưng từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nước ta, lượng thịt bán ra mỗi ngày chưa đến 20 kg. Đặc biệt, mấy ngày gầy đây, dịch xuất hiện ở Chư Pưh, lượng thịt tiêu thụ càng ít hơn do người dân e dè với thịt heo. Thấy tình hình này, mỗi ngày tôi chỉ nhập hơn chục ký nhưng cũng rất ế ẩm”.
Tại các chợ trên địa bàn TP. Pleiku, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Chị Lê Thị Thủy-tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku-cho hay: “Chắc tôi phải tính đến chuyện bán thêm thịt bò hay gì đó chứ cảnh mua bán lèo tèo như thế này thì chả lời lãi gì. Ngày trước, bệnh lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh từng xảy ra trên địa bàn nhưng sức mua cũng không giảm như hiện nay. Bệnh dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người nhưng đa phần người tiêu dùng vẫn chưa hiểu và rất dè dặt khi chọn mua thịt heo”.
 Lo lắng trước tình hình dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng đến siêu thị để mua thịt heo.                  Ảnh: V.T
Lo lắng trước tình hình dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng đến siêu thị để mua thịt heo. Ảnh: V.T
Trong hoàn cảnh dịch tả heo châu Phi đang xảy ra, không phải người tiêu dùng nào cũng quay lưng với thịt heo. Chỉ có điều, thay vì đến các chợ để mua như trước đây do lo ngại chất lượng thịt không đảm bảo, nhiều người đã tới các siêu thị vì thịt heo bán tại đây có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Hệ thống Siêu thị Co.op Mart luôn chú trọng đến nguồn thịt heo nhập vào để cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước, thịt phải có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, nguồn hàng nhập vào Siêu thị còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng. Ngoài ra, Siêu thị còn có bộ phận kiểm tra chất lượng sử dụng bằng dụng cụ test nhanh. Qua các quy trình chọn lọc, đánh giá, Siêu thị đang chọn Công ty TNHH một thành viên kinh doanh Kim Thu (25 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) là đơn vị đạt các tiêu chuẩn về quản lý nhà nước và đáp ứng các yêu cầu riêng của đơn vị để cung cấp nguồn hàng thịt heo. “Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Siêu thị tiêu thụ 250-300 kg thịt heo. Trong những ngày gần đây, lượng thịt heo tiêu thụ tăng khoảng 30% so với 2 tuần trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái”-bà Thy thông tin thêm. 
Tăng cường kiểm phẩm thịt heo
Để người dân yên tâm về nguồn gốc thịt heo, không quay lưng lại với sản phẩm này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku đã tăng cường công tác kiểm phẩm tại các chợ trên địa bàn. Ông Võ Văn Yên-Phụ trách chung Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho biết: “Đơn vị có 6 cán bộ thực hiện việc lăn dấu kiểm phẩm tại 13 chợ trên địa bàn với sản lượng thịt khoảng 2,5 tấn/ngày (khoảng 150 con heo/ngày). Riêng những ngày gần đây, qua công tác kiểm phẩm cho thấy, lượng thịt heo tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn đã giảm đến hơn 30%, tương đương khoảng 100 con mỗi ngày”. Cũng theo ông Yên, công tác kiểm phẩm thịt heo ở Pleiku mới thực hiện được khoảng 70% sản lượng tiêu thụ. Bởi lẽ, đơn vị chỉ kiểm phẩm được nguồn hàng tập trung ở các chợ, còn lại những điểm bán tại nhà hoặc người dân tự giết mổ rồi bán lưu động thì không thể kiểm soát được. Nguyên nhân là do lực lượng làm công tác kiểm phẩm ít, trong khi địa bàn lại rộng.
Được biết, bệnh dịch tả heo châu Phi không lây sang người. Do đó, đối với thịt heo và các sản phẩm từ heo có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y lăn dấu kiểm phẩm, người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ điều này. Nhiều người vẫn tỏ ra e dè, lo lắng nên không dùng thịt heo và các sản phẩm từ heo. Điều đó đã khiến các tiểu thương kinh doanh thịt heo gặp khó khăn và tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi heo trên địa bàn.  
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.