Ngành Ngân hàng Gia Lai vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng (TCTD) ở gIa Lai vẫn đang gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
  Các tổ chức tín dụng đang gặp vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Ảnh: Sơn Ca
Các tổ chức tín dụng đang gặp vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Ảnh: Sơn Ca
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của ngành Ngân hàng, là công cụ rất cần thiết trong việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Tính từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực (15-8-2017) đến ngày 30-6-2018, hệ thống TCTD đã xử lý hơn 138 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết này. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 ngàn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 ngàn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý Tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 ngàn tỷ đồng (chiếm 33,59%). Đáng chú ý, kết quả xử lý nợ theo hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Tiến Đông-Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC-cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu với 6 TCTD; tổ chức phân loại, phân tích các khoản nợ xấu từ 10 tỷ đồng trở lên đã mua để nắm rõ thực trạng và đưa ra phương án xử lý. Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, sự phối hợp, hỗ trợ giữa VAMC và các TCTD, các bộ, ngành, địa phương đã tăng lên, khách hàng chấp nhận trả nợ, ý thức hợp tác nâng lên rõ rệt”. Đến tháng 6-2018, VAMC đã thu hồi 2.909,4 tỷ đồng, tương ứng với hơn 82% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá thị trường. VAMC đã bảo toàn vốn, bù đắp được chi phí trong thu hồi nợ. Còn ông Nghiêm Xuân Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank thì nhìn nhận: “Nghị quyết 42 đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội về xử lý nợ xấu. Xem giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Ngân hàng, nghị quyết đã tái lập quyền bình đẳng trong quan hệ dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng trong xử lý nợ xấu; tác động đến thái độ của khách hàng trong xử lý nợ xấu”.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Từ thực tiễn triển khai, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: Vướng mắc về thu giữ tài sản bảo đảm vẫn đang là trở ngại đối với hầu hết các TCTD. Theo nguyên tắc chung, TCTD chỉ được thu giữ tài sản xác định trong hợp đồng bảo đảm nhưng trên thực tế thường xảy ra trường hợp có tài sản khác ngoài tài sản bảo đảm như đồ dùng sinh hoạt trong gia đình mà chủ tài sản bỏ trốn hoặc không chịu chuyển đi hoặc chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản trên đất. Do vậy, TCTD sẽ gặp khó khăn trong việc xác định ai quản lý số tài sản ngoài tài sản bảo đảm; quản lý tài sản như thế nào để không bị tranh chấp, mất mát, hư hỏng. Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42 quy định, TCTD chỉ được quyền thu giữ tài sản trong trường hợp tài sản bảo đảm không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết tài sản bảo đảm của những khoản nợ xấu đã và đang được cơ quan Thi hành án thực hiện xử lý tài sản, TCTD không tiến hành thu giữ được.  
Một vướng mắc khác là về tìm người mua và thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm không có hiệu lực cao như cơ quan pháp luật, do đó, người mua thường có tâm lý e ngại nếu chủ tài sản bảo đảm cản trở, gây khó khăn hoặc thậm chí đe dọa. Theo Điều 12 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, trong trường hợp chủ tài sản không tự nguyện ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng thì ngân hàng được quyền ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ quan công chứng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất không đồng ý làm thủ tục sang tên cho người được chuyển nhượng nếu hồ sơ không có chữ ký của chủ tài sản. Từ những khó khăn vướng mắc trên, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Cư, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, những vấn đề thuộc chính sách thì Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành cần xem xét tháo gỡ, giúp cơ sở thực hiện tốt Nghị quyết 42.
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.