Nguy cơ cháy rừng uy hiếp nhiều tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dự báo, năm 2020 tiếp tục hạn hán, tình trạng cháy rừng sẽ diễn ra gay gắt ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh ĐBSCL, hơn cả năm 2019.
Chỉ tính riêng tỉnh Phú Yên, năm 2019 đã có đến gần 1.200 ha rừng bị thiêu rụi từ 66 vụ cháy. Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trước tình hình cháy rừng dự báo sẽ phức tạp trong năm nay, mới đây, UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để yêu cầu sở này xây dựng ngay đề án phòng chống cháy rừng ngay từ đầu năm.
Nguy cơ lớn với rừng trồng
Trong những ngày qua, ông Trần Công Bình - một người dân trồng hơn 200 ha rừng keo ở xã EaTrol, huyện Sông Hinh - đã thuê mỗi ngày 8 nhân công để dọn đường băng cản lửa xung quanh khu rừng của mình. "Nếu xảy ra cháy những khu vực lân cận thì hạn chế lan sang rừng của mình. Còn lỡ có cháy rừng của mình thì cũng đỡ liên lụy đến người khác" - ông Bình nói.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết lực lượng kiểm lâm đang triển khai cùng lúc nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng đến các chủ rừng, hộ dân và doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh, như hướng dẫn cho họ cần làm tốt đường băng trắng để cản lửa, phát dọn thực bì. Rừng bị cháy phần lớn là rừng trồng, bởi rừng tự nhiên nhờ thảm thực bì xanh nên khó cháy.
Còn ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, nhận định qua kiểm tra tại một số địa phương thì hiện nay, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là diện tích rừng thông trồng của các đơn vị trên địa bàn huyện Chư Pah. Thậm chí, một số chủ rừng chưa có kinh phí thực hiện các biện pháp lâm sinh, giảm vật liệu cháy dưới tán rừng theo quy định. Đặc biệt, nguy hiểm là ý thức của người dân, khi diện tích rừng trồng xen lẫn với diện tích nương rẫy cũ của người dân địa phương nên việc kiểm soát nguồn lửa mang vào rừng sử dụng bất cẩn gây cháy gặp nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có trên 504.000 ha rừng, trong đó hơn 200.000 ha ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy vào mùa khô. Diện tích có nguy cơ cháy chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim, rừng hỗn giao và rừng trồng có nhiều vật liệu dễ gây cháy.
Tương tự, ở ĐBSCL, mực nước thượng lưu sông Mê Kông xuống dần và ở mức thấp, có thể gây nên tình trạng thiếu nước, hạn hán. Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm. Tỉnh An Giang, Cà Mau... đã lên phương án đề phòng nghiêm ngặt, bởi diện tích rừng có nguy cơ cháy trong mùa khô rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn hecta.
Dọn đường băng cản lửa, không để đám cháy rừng lan ra diện rộng ở Phú Yên. Ảnh: HỒNG ÁNH
Dọn đường băng cản lửa, không để đám cháy rừng lan ra diện rộng ở Phú Yên. Ảnh: HỒNG ÁNH
Túc trực 24/24 giờ
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết trên địa bàn tỉnh có hơn 42.000 ha rừng tràm và rừng cụm đảo có nguy cơ cháy do ảnh hưởng của khô hạn. Trong đó, hơn 12.000 ha rừng được dự báo cháy ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); cấp IV (cấp nguy hiểm) hơn 11.000 ha và gần 20.000 ha rừng cảnh báo cháy ở cấp II, III. Dự báo, mùa khô năm 2020, thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn diễn ra gay gắt.
Đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau yêu cầu tất cả chủ rừng và cộng đồng dân cư xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Để chủ động PCCCR, các đơn vị liên quan đã đắp và xây dựng được 84 cống, đập để giữ nước phục vụ công tác PCCCR; xây dựng mới 87 chòi quan sát lửa; sửa chữa và mua mới 102 máy bơm chữa cháy; phát dọn đường băng cản lửa hơn 410 km; dọn kênh lưu thông gần 187 km…
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và chấp hành tốt công tác PCCCR trong suốt mùa khô. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cập nhật diện tích khô hạn và dự báo cấp cháy rừng để có kế hoạch chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC kiểm tra đột xuất việc triển khai thực hiện phương án PCCCR trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện quy định về PCCCR.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết trong trường hợp xảy ra cháy rừng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm sẵn sàng tham gia chữa cháy. Cơ quan này cũng đã định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ, đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và PCCCR trên khu vực đồi núi với 190 điểm chứa nước. Các chủ rừng có diện tích lớn phải bảo đảm nhân lực để tuần tra, bảo vệ và xử lý những tình huống tại chỗ kịp thời khi mới xuất hiện đám cháy. 

Ngăn cháy rừng bằng... đốt chủ động
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk), cho biết vườn có diện tích 115.545 ha, trong đó có đến 90% hệ sinh thái rừng khộp nên vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Do đó, khi bắt đầu bước vào mùa khô, đơn vị sẽ tổ chức đốt cháy loang lổ, đốt có kiểm soát. Tiếp đó, khi khoảng 50% lá rừng khô rụng xuống sẽ tổ chức đốt lần thứ 2. Hiện nay, lá rừng khộp đã khô, rụng hoàn toàn thì đơn vị đang thực hiện đốt lần thứ 3 là hết thực bì, hết vật liệu cháy. "Phải đốt chủ động, đốt có kế hoạch để không xảy ra cháy rừng hàng loạt, thiệt hại đến cây rừng và động vật" - ông Linh nói.
Theo Nhóm phóng viên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.