Các địa phương phòng-chống dịch sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, các địa phương trong tỉnh đang triển khai hàng loạt giải pháp phòng-chống như: xử lý ổ dịch, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi… Các cơ sở y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, giường bệnh, làm tốt công tác thu dung và điều trị cho bệnh nhân.

Huyện Chư Sê đẩy mạnh công tác phòng-chống dịch

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Chư Sê có 260 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 40 lần so với cùng kỳ năm 2015. Dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại 12/15 xã, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu tại thị trấn Chư Sê và các xã Ia Hlốp, Ia Blang. Riêng thị trấn Chư Sê cả 27/27 thôn, làng, tổ dân phố đều có bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

 

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.                              Ảnh. N.D
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh. N.D

Bác sĩ Nguyễn Đức Bảy-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Ngay từ khi phát hiện dịch sốt xuất huyết, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang-thiết bị y tế, hóa chất, bố trí giường bệnh và nhân lực sẵn sàng phòng-chống dịch. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp mới mắc bệnh”.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sở dĩ năm nay số ca sốt xuất huyết ở Chư Sê tăng đột biến là do thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan, như: không ngủ màn, không diệt lăng quăng tại hộ gia đình, nhiều dụng cụ chứa nước không được dọn vệ sinh… tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

Thời gian qua, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Thắng-Trưởng phòng Y tế huyện, cho biết: Đến nay, các địa phương đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi cho 3.260 hộ gia đình, huyện cũng đã cấp 260 triệu đồng cho các địa phương, đơn vị để thực hiện công tác phòng-chống dịch sốt xuất huyết.  

Huyện Krông Pa không để dịch bệnh lây lan

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Vũ Văn Hòa-Trưởng khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện, cho hay: Tính đến nay, Khoa Nội đã tiếp nhận điều trị 9 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca từ các địa phương khác chuyển đến. Đa số người bệnh được gia đình đưa đến điều trị kịp thời nên nhanh khỏe, chỉ có 1 ca điều trị ở phòng khám tư không bớt phải nhập viện. “Để tránh dịch sốt xuất huyết lây lan và nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi khuyến cáo người dân nếu bị sốt liên tục thì đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời. Cùng với đó, các gia đình nên vệ sinh môi trường và khi đi ngủ phải nằm màn để tránh muỗi đốt”-bác sĩ Hòa cho biết.

Chị Phạm Thị Mơ (thôn Quỳnh 3, xã Chư Rcăm) đang chăm sóc 2 đứa con bị sốt xuất huyết nằm điều trị tại đây kể: Đi làm về thấy các cháu sốt cao là tôi đưa các cháu đến nhập viện ngay. Vì trước đó chị các cháu bị sốt cao và ho, gia đình cứ nghĩ cháu viêm họng nên mua thuốc cho uống, phần ngại đi xa (nhà cách Trung tâm Y tế huyện 13 km), ngại mất thời gian chờ khám, phần mải lo làm ăn kiếm sống (tôi bận chăm 4 ha mì, bố cháu đi khoan giếng thuê) đến lúc đưa cháu đến nhập viện thì bệnh đã rất nặng. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sĩ nói cháu bị sốt xuất huyết, nằm điều trị cả tuần mới khỏi. Các cháu nhập viện được các bác sĩ tận tâm chăm sóc và điều trị nên tôi thấy rất yên tâm.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Mặc dù dịch sốt xuất huyết trên địa bàn chưa có chiều hướng gia tăng nhưng huyện không chủ quan vì đây là thời điểm vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản và nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng, bùng phát trở lại. Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác phòng-chống, chủ động khống chế không để dịch sốt xuất huyết xảy ra và lan rộng.

“Hiện tại, chúng tôi chủ động hoàn toàn về nguồn lực, giám sát véc tơ, vật tư hóa chất và thuốc chống dịch. Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay, chúng tôi phối hợp với các xã có người bệnh tổ chức dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trước rồi mới phun hóa chất diệt muỗi”-bác sĩ Bửu cho hay.

Vĩnh Hoàng-Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.