Cảng Hàng không Pleiku: Vươn xa đôi cánh ước mơ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi chính thức đóng cửa sân bay vào ngày 22-3-2015, đầu tháng 9 này (tức là trước kế hoạch 1,5 tháng để triển khai giai đoạn II của dự án), Cảng Hàng không Pleiku sẽ trở lại hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tỉnh nhà, vùng Tây Nguyên và đất nước.

Về đích trước kế hoạch

Có mặt tại cảng trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương nhưng không kém phần hồ hởi. Hôm nay là ngày ra mắt ban chỉ huy quân sự và lực lượng tự vệ của cảng. Ban lãnh đạo có phần lạ lẫm trong trang phục lực lượng tự vệ. Với sự kiện này, nhiệm vụ của cảng thêm một lần được quán triệt nâng cao nhằm đảm bảo hoàn thành tốt công tác quân sự, quốc phòng-an ninh, bảo vệ tài sản nhà nước, nhân dân,...

 

Theo kế hoạch ban đầu, cảng sẽ phục vụ trở lại vào đầu tháng 10-2015 nhưng do các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nên thời gian tạm ngưng hoạt động được rút ngắn. Không xa nơi diễn ra sự kiện là không khí lao động khẩn trương của cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị thi công. Bên vệ đường, một tốp công nhân mồ hôi nhễ nhại hối hả xây tường bao, máy trộn bê tông quay tít. Phía nhà ga, một nhóm công nhân đang hoàn thành nốt công đoạn thảm cỏ, tưới cây, vệ sinh bãi đỗ taxi, lợp mái căng tin. Xa hơn, đường băng, đường lăn hạ, cất cánh mới toanh, bằng phẳng, rộng rãi choáng ngợp. Một số công nhân đang kiểm tra lần cuối công tác sơn kẻ vạch. Nhiều ô tô con liên tục đi lại cùng với từng tốp xe tải chở đất đá vào ra.

Lúc này, khu vực nhộn nhịp, hối hả và khẩn trương nhất là phía Nam đường băng 9. Việc giải tỏa đền bù là một trong những khâu quan trọng nhất của việc triển khai thi công dự án giai đoạn II. Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác này. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian gần đây, công tác này mới có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ở thời điểm chúng tôi có mặt, trong khi việc giải phóng mặt bằng khu vực đồi 7 đã hoàn tất thì khu vực đồi 9 còn khá nhiều việc, khoảng 50 máy đào, máy xúc, ô tô tải hoạt động liên tục. Dân kêu bụi, các đơn vị thi công cũng đã triển khai giải pháp khắc phục nhưng vì thời điểm thi công quyết liệt, công trường rộng hàng cây số, thật không dễ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.

Để đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ mùa khô Tây Nguyên, toàn bộ cán bộ, kỹ sư công nhân thi công trên công trường liên tục tăng tốc, làm việc ngày đêm. Đặc biệt, tiến độ triển khai dự án kéo dài nâng cấp đường cất hạ cánh và sân đỗ máy bay A321 thực hiện rất tích cực. Các hạng mục lớn gấp rút thi công song song với công tác đền bù giải phóng mặt bằng (khu vực phía Tây Nam đầu đường băng 9 và khu vực thi công lắp đặt ILS) nhằm đảm bảo tiến độ tổng thể. Với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng nhà ga hành khách, cũng đã hoàn thành các hạng mục xây lắp và thiết bị chính phục vụ cho hoạt động bay.

Nỗ lực đáng ghi nhận là Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thường xuyên chỉ đạo, bám sát công trình để giải quyết các vấn đề phát sinh và điều chỉnh kịp thời; chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ tất cả các hạng mục xây lắp có liên quan đến bê tông xi măng, bê tông nhựa; yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện đúng thiết kế được duyệt và đảm bảo chất lượng công trình; các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị phối hợp với nhà thầu xây lắp khẩn trương nhập, kiểm định và lắp đặt, chạy thử, xin cấp phép hoạt động sớm kể từ tháng 8-2015.

Báo cáo từ Ban Quản lý dự án cũng như đại diện nhà thầu cho thấy các hạng mục: đào đất khu bay, đắp đất khu bay, vận chuyển đất ra bãi thải, thi công bê tông xi măng, bê tông nhựa, thi công cấp phối đá dăm, thi công sơn kẻ tín hiệu, tường rào, hệ thống thoát nước hầu hết đều đạt kế hoạch. Nhiều hạng mục như: đào đất khu bay đạt 98% khối lượng; thi công bê tông xi măng, thi công sơn kẻ tín hiệu đạt 100% khối lượng; các hạng mục vận chuyển đất ra bãi thải, đắp đất khu bay, thi công bê tông nhựa, đạt 95-97% khối lượng. Nhiều hạng mục đảm bảo kế hoạch dù khối lượng thực hiện rất lớn như đào đất khu bay với gần 2 triệu m3, vận chuyển đất ra bãi thải với trên 1,2 triệu m3… Ông Trần Văn Thành-đại diện nhà thầu thực hiện gói thầu số 6 thi công xây dựng công trình và lập thiết kế bản vẽ thi công cho biết: Mưa nhiều và việc mặt bằng giao chậm ảnh hưởng đến công tác hoàn thiện khu bay nhưng đến thời điểm này, 94% khối lượng công việc đã hoàn thành, phần khối lượng còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 9-2015.

Phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh

Điểm xuất phát thấp nên Gia Lai cần rất nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, nước,… Dự án đầu tư xây dựng kéo dài đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng Hàng không Pleiku được đầu tư triển khai xây dựng là một nỗ lực rất lớn của tỉnh sau nhiều lần đề xuất, mong đợi.  

Và dự án chính thức khởi công ngày 28-9-2014; tổng mức đầu tư của dự án là hơn 950 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng,... Theo dự kiến, dự án thực hiện trong 18 tháng và chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn II kéo dài và phải đóng cửa sân bay, chính thức vào ngày 22-3-2015 để xây dựng). Trong giai đoạn II này, hành khách trong vùng đã di chuyển tới Cảng Hàng không Phù Cát (Bình Định) và Buôn Ma Thuột (Đak Lak) để được đáp ứng.  

 

Ông Nguyễn Trọng Hải-Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku: “Để chuẩn bị cho lễ khánh thành sắp tới (5-9), đơn vị đã tích cực hoàn thiện công tác hạ tầng. Đặc biệt với việc cải tạo, nâng cấp các trang-thiết bị mới nhất, hiện đại nhất phục vụ hành khách như hệ thống băng chuyền hành lý, hệ thống làm thủ tục LDCS, phát thanh, cứu hỏa tự động, camera giám sát an ninh và lắp đặt ghế ngồi cho hành khách...

Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư trên 30 đầu xe các loại phục vụ sân đậu tàu bay, xe chở khách chuyên dụng, chở khách VIP, xe đầu kéo… với tổng đầu tư trên 40 tỷ đồng. Hiện đã có một số hãng lập dự thảo kế hoạch khai thác chuyến bay trong tháng 10-2015. Chẳng hạn, Vietnam Airlines lên kế hoạch sẽ có 2 chuyến bay thường xuyên vào các ngày trong tuần từ Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh và 3 chuyến xen kẽ các ngày trong tuần; tuyến Hà Nội mỗi ngày một chuyến và tuyến Đà Nẵng bay vào các ngày thứ hai, tư, năm và bảy.

Còn hãng Vietjet Air lên kế hoạch 2 chuyến mỗi ngày với các điểm đến là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, chuyến có thời gian bay sớm nhất là 9 giờ 35 phút và muộn nhất là 21 giờ 30 phút”.

Cũng theo ông Hải, các hãng cũng đã dự tính mở thêm các tuyến bay Pleiku đi Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa…

Khó nói hết niềm phấn khởi của chính quyền và nhân dân khi dự án được triển khai. Bởi trên thực tế, hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỉnh vốn không có đường sắt, đường thủy, trong khi đường bộ nhiều tuyến xuống cấp, đường hàng không chưa đáp ứng nhu cầu. Với đường hàng không, không chỉ những người trong cuộc là lãnh đạo tỉnh mà Cảng Hàng không Pleiku, các hãng hàng không và hành khách đều thấy sự bất lợi trong việc khai thác và sử dụng dịch vụ khi cơ sở vật chất hạn chế, sân bay nhỏ, đường lăn, hạ cất cánh ngắn, không thể đáp ứng các loại máy bay lớn, các tuyến bay giới hạn và tần suất cũng không cao, tình trạng hoãn, trễ chuyến bay thường xảy ra...

Lúc này, cảng chỉ có thể đưa vào khai thác các đường bay nội địa Pleiku-Hà Nội, Đà Nẵng, Pleiku-TP. Hồ Chí Minh với các loại máy bay nhỏ như ATR 72, Fokker. Thực tế này đã gây không ít khó khăn và bất tiện khi sử dụng dịch vụ; sân bay Pleiku chỉ có Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay đi về mỗi ngày là: 2 Hà Nội, 1 Đà Nẵng và 5 TP. Hồ Chí Minh.

Những hạn chế trên sẽ được khắc phục vào đầu tháng 9 này. Hoàn thành giai đoạn II, Cảng Hàng không Pleiku là sân bay cấp 4C, tiêu chuẩn ICAO, đường hạ-cất cánh dài 3 ngàn mét, rộng 45 mét, khai thác các loại máy bay A 320/321 và tương đương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo đảm quốc phòng-an ninh tại Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Hải-Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku cho biết: “Kể từ ngày 1-9-2015, cảng sẽ có các chuyến bay đến từ TP. Hồ Chí Minh, từ 5-9-2015 là các chuyến bay đến từ Hà Nội và kể từ 15-9-2015, cả 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific sẽ cùng tham gia khai thác sân bay này. Cùng với công tác chuẩn bị hoạt động trở lại, cảng cũng đang tích cực phối hợp với các bộ ngành Trung ương, địa phương chuẩn bị lễ khánh thành, long trọng gắn biển công trình chào mừng 70 năm Quốc khánh 2-9… Đây là sự kiện rất quan trọng không chỉ với riêng Cảng Hàng không Pleiku mà còn với cả nước”.

Thất Sơn- Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.