Buồn xo làng rau trước Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày của năm Ngọ chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Các năm trước đây, từ 23 tháng Chạp cho đến Tết, nhà vườn trồng rau đã bước vào những ngày rộn ràng của mùa làm ăn nhộn nhịp nhất trong năm. Vậy nhưng, một năm kinh tế buồn đã kéo theo nỗi buồn-lo của những người trồng rau An Phú (TP. Pleiku).

Cải ngọt… cho không ai lấy

 

Vất vả bao trùm người làm rau An Phú trong mùa Tết này. Ảnh: Lê Hòa
Vất vả bao trùm người làm rau An Phú trong mùa Tết này. Ảnh: Lê Hòa

“Từ cuối tháng 11 Dương lịch tui vãi một sào rau cải ngọt, tính kiếm chút tiền tiêu Tết. Ai dè tới ngày thu giá rau cải quá bèo, chỉ 300-500 đồng/kg. Không đủ tiền thuê công thợ cắt cải nên tui bỏ đó. Rau tốt lút mà gọi người cho không, cứ tới cắt về cũng… không ai lấy”-anh Nguyễn Ngọc Lễ (thôn 12, xã An Phú), buồn rầu nói.

Theo anh Lễ, người trồng cải ngọt chưa bao giờ thê thảm như năm nay. “Giá nhân công thuê cắt rau hiện thời là 120 ngàn đồng/6 giờ cắt. Tiền thu rau không đủ trả tiền công chứ đừng hy vọng lấy lại vốn đầu tư. Trung bình một sào cải ngọt đầu tư từ khi làm đất cho tới ngày thu rơi tầm 8-10 triệu đồng, tùy thời tiết thuận hay nghịch. Đã không kiếm được tiền tiêu Tết, người trồng cải còn mất của, mất công”- anh Lễ, cho biết thêm.

Không chỉ với rau cải mà dưa leo-một trong những loại rau trái có sức tiêu thụ rất mạnh cũng cùng chung số phận. “Mọi năm trồng dưa leo chừng 35 ngày được thu, năm nay trồng tới hai tháng dưa mới cho thu hoạch. Tiền đầu tư vì thế đội lên gần gấp đôi mà năng suất lại kém. Một sào dưa tui đổ vào đó 17 triệu đồng rồi nhưng thu mới tròn nhẵn 60 kg. Giá dưa cũng chỉ được 4 ngàn đồng/kg. Lo nhất là dưa đang có biểu hiện bị bệnh khảm, bệnh chết xanh... Nắm chắc trong tay vụ này thất thu, ôm nợ rồi đó”-anh Lễ, nói.

 

Xà lách là loại rau đang được giá nhất hiện thời, với mức giá gom chừng 4 ngàn đồngkg. Ảnh: Lê Hòa
Xà lách là loại rau đang được giá nhất hiện thời, với mức giá gom chừng 4 ngàn đồngkg. Ảnh: Lê Hòa

Cung vượt cầu, đồng thời do nhiều loại rau xanh các vùng khác được thương lái nhập về bán trong dịp Tết đã phần nào khiến rau xanh ở An Phú rớt giá thê thảm. Ngoại trừ một số loại rau thơm, xà lách… giữ mức giá tốt, đa phần các loại rau khác đều giảm mạnh, đối lập với quy luật ngày Tết giá món gì cũng tăng. “Nhà tui may mắn trồng xà lách. Hơn 1 sào xà lách sắp được thu mà giá thương lái đang thu gom là 4 ngàn đồng/kg. Nếu giá không thay đổi thì cũng kiếm được chục triệu đồng tiêu Tết”- chị Nguyễn Thị Sự (thôn 12, xã An Phú, TP. Pleiku), chia sẻ.   
 

Một bó rau cải ngọt 5 kg như thế này chỉ có giá 1,5-2,5 ngàn đồng tại ruộng. Ảnh: Lê Hòa
Một bó rau cải ngọt 5 kg như thế này chỉ có giá 1,5-2,5 ngàn đồng tại ruộng. Ảnh: Lê Hòa

Giá thị trường “án binh bất động”

Tại khu vực chợ đêm Pleiku, giá bỏ sỉ một số loại rau xanh như cải ngọt, cải cay, ngò… đều khá thấp. Mức giá cải ngọt được đổ sỉ ở chợ đêm chỉ dao động trong khoảng 1-2 ngàn đồng/kg. Theo một số thương lái chợ đêm, nguồn hàng rau cải ở các vùng rau Gia Lai hiện khá dồi dào, trong khi thị trường có thêm nhiều mặt hàng rau vụ Đông được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào như: bắp sú, cải thảo, cà rốt, khoai tây, su hào… với mức giá dễ chấp nhận khiến sức mua đối với các loại rau khác của địa phương giảm. Cung lớn, cầu bị thu hẹp đã dẫn đến tình cảnh rau nhà bị mất giá.

Giá rau tại ruộng của nông dân hạ thê thảm, giá rau đổ sỉ rất thấp, tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, giá rau xanh được bày bán tại các chợ nhiều ngày qua hầu như không có sự “hạ nhiệt”. Ở các điểm bán rau lẻ, giá một số mặt hàng rau phổ biến như cải ngọt, cải cay, mồng tơi, dền, muống… vẫn duy trì đều đặn mức giá từ 3 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng/bó tùy loại. “Làm gì có chuyện giá rau xuống, ngày Tết giá không tăng thì thôi chứ sao giảm được!”- một chị bán hàng rau trong khu vực Trung tâm Thương mại Pleiku, khẳng định.

Rõ ràng thị trường rau xanh hiện bị tư thương “làm giá” rất nhiều. Lợi dụng dịp Tết khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, một mặt ép giá rau thu mua, một mặt đẩy giá bán ra để lấy tiền của người tiêu dùng bỏ túi. Hơn ai hết, chính người nông dân một nắng hai sương và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Công ty Điện lực Gia Lai hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: H.D

Gia Lai: Nắng nóng, điện tiêu thụ bình quân ngày tăng 31,2%

(GLO)- Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Gia Lai (Công ty Điện lực Gia Lai), từ đầu tháng 4-2024 đến nay, công suất cực đại của phụ tải đạt 321 MW và sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trên địa bàn tỉnh đạt 655,54 triệu kWh, tăng hơn 31,38% so với cùng kỳ 2023.
Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.