Chư Pah tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Pah vốn không phải là điểm nóng về tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép như một số địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, một số xã trên địa bàn huyện Chư Pah xuất hiện tình trạng cất giấu lâm sản trái phép làm cho tình hình ở địa bàn nóng lên. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp tuần tra truy quét, ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, cất giấu lâm sản trái phép.

Với diện tích đất có rừng khoảng 30.445 ha, trong đó rừng tự nhiên 25.220 ha, rừng trồng 5.225 ha, đất chưa có rừng 18.912 ha, độ che phủ của rừng đạt khoảng 30,1%. Diện tích rừng Chư Pah tập trung ở các Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly, Bắc Biển Hồ, Đông Bắc Chư Pah và Ban Quản lý dự án 661Tây Bắc Đak Đoa quản lý.

 

Rừng Chư Pah không có nhiều loại gỗ quý hiếm, nằm giáp ranh với các huyện Ia Grai, Đak Đoa và huyện Sa Thầy (Kon Tum)… rừng nằm trong địa hình đồi dốc và chia cắt rất phức tạp. Đặc biệt, những năm qua, mỗi khi mùa khô về rừng Chư Pah lại trở thành vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh.

Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 9 vụ vi phạm  Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tập trung chủ yếu là  tình trạng cất giấu lâm sản trái phép tại các xã Ia Nhin 1 vụ, Chư Đăng Ya 6 vụ, Đak Tơ Ve 2 vụ… tịch thu trên 75m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VI …

Điển hình như trong những ngày đầu tháng 3, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với lực lượng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ và UBND xã Chư Đăng Ya tổ chức truy quét tại tiểu khu 248 và khu vực làng Xóa. Đoàn đã phát hiện và thu giữ 37 lóng gỗ nhóm V với khối lượng khoảng 26 m3…

Nguy hiểm hơn, trong quá trình thu gom số gỗ cất giấu này, lâm tặc đã cố tình sử dụng bàn chân đinh để dưới lòng suối Chư Đăng Ya và trên đường đi lại. Khi xe lội qua thì đâm phải những bàn chông này gây thủng lốp trước.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho hay: Thời gian qua, lâm tặc khai thác gỗ từ các khu vực rừng giáp ranh với xã sau đó tập kết trên địa bàn xã chờ cơ hội để vận chuyển tiêu thụ nơi khác. Trước thực trạng này, các lực lượng của xã đã tổ chức truy quét và làm rất quyết liệt nhằm ngăn chặn không để xảy ra tình trạng cất giấu lâm sản trên địa bàn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng chức năng của xã không có phương tiện và công cụ hỗ trợ khi đi làm nhiệm vụ và bảo vệ bản thân.

Trước tình trạng buôn bán cất giấu lâm sản có dấu hiệu phức tạp, UBND huyện Chư Pah đã thành lập 2 tổ liên ngành kiểm tra tổ chức truy quét các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn, trong đó tập trung tại xã Chư Đăng Ya và Ia Kreng.

Sau khi ra mắt 2 tổ công tác liên ngành đã tổ chức kiểm tra truy quét tại các tiểu khu 223, 226 giáp ranh tiểu khu 227, khu vực đường xương cá nối giáp nhau và cùng đi làng Dip (xã Ia Kreng) dựa trên hệ thống đường mòn khai thác gỗ chỉ tiêu từ những năm trước. Khu vực giáp ranh giữa xã Ia Nhin (Chư Pah) với xã Ia Bă (Ia Grai)… Tại các xã Chư Đăng Ya, Hà Tây và Đak Tơ Ve tổ kiểm tra các tiểu khu 248, 250 và 204 đã phát hiện 3 lóng gỗ vắng chủ với khối lượng trên 1 m3, bắt giữ 4 xe máy.

Ông Nguyễn Ngọc Cư-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah cho biết: “Phần lớn gỗ bị bắt được khai thác và vận chuyển từ các khu vực rừng giáp ranh sau đó lén lút mượn đường vận chuyển tiêu thụ. Trước diễn biến phức tạp này, UBND huyện đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành thường xuyên truy quét tại các địa bàn trọng điểm như Chư Đăng Ya, Ia Kreng… để ngăn chặn hiện tượng lấn chiếm đất rừng và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là do lực lượng truy quét mỏng so với các địa bàn khác.

Không những vậy, do địa hình rộng lớn, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch quản lý bảo vệ rừng. Sau khi 2 tổ liên ngành hoạt động hiệu quả, Hạt đã đề nghị UBND huyện tiếp tục duy trì 2 tổ này hoạt động đến ngày 30-4 nhằm hạn chế thấp nhất không để xảy ra tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép”.

Ngăn chặn tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép là một trong những giải pháp để bảo vệ diện tích rừng hiện có. Điều này đang được triển khai quyết liệt tại huyện Chư Pah.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.