Hiểm họa từ dịch heo tai xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vòng 20 ngày (từ 23-8 đến 11-9) dịch heo tai xanh đã lây lan đến 5 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh Gia Lai. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, công tác tổ chức phòng-chống dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi đã trở nên cấp thiết.
Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Hà, thôn 11, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cho biết: Kinh tế gia đình dựa vào hai nguồn chính là làm cà phê và nuôi heo. Với vốn đầu tư hàng chục triệu đồng, 40 con heo lớn nhanh trông thấy, có con đạt trọng lượng 60 kg. Cuối tháng 8-2010, 2 con bị bệnh, rồi thêm 6 con bị bệnh chữa mãi không khỏi. Heo chết, gia đình mang đi chôn và báo cho cán bộ thú y. Kết quả lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm cho thấy heo bị mắc bệnh tai xanh, phải tiêu hủy thêm 8 con, nâng tổng số heo bị chết, tiêu hủy lên 16 con, thiệt hại trên 22 triệu đồng.
Tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm soát dịch bệnh động vật Ia Pa. Ảnh: A.K
Tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm soát dịch bệnh động vật Ia Pa. Ảnh: A.K
Ông Hồ Quang- Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chư Pah cho biết: Tại thôn 6, xã Nghĩa Hưng, dịch heo tai xanh đã phát tán đến 9 hộ chăn nuôi. Tổng số heo xác định bị nhiễm bệnh là 142 con, đã tiêu hủy 130 con, tổng khối lượng thịt tiêu hủy gần 5 tấn. Hộ có heo bị tiêu hủy nhiều nhất là hộ ông Nguyễn Văn Thơi ở thôn 6 với 62 con. Đến giờ, ông Thơi vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi vì, gia đình ông nuôi heo theo mô hình khép kín. Ngay cả việc cán bộ thú y đến tiêm thuốc ngừa bệnh, chủ nhà nhận thuốc tự tiêm chứ không cho vào vì sợ lây bệnh cho heo. Cẩn thận là thế, nhưng vào cuối tháng 8, đàn heo mắc bệnh và sau khi cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho kết quả bị bệnh tai xanh phải tiêu hủy hết số heo còn lại. Chưa tính giá trị 11 con heo nái sinh sản cho thu nhập không nhỏ nhờ tiền bán heo con, chỉ tính sản lượng thịt tiêu hủy 62 con heo là 2.564 kg, dịch heo tai xanh đã “cướp” của ông gần 72 triệu đồng.  
Theo tổng hợp của Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai, hiện tại dịch heo tai xanh đã xuất hiện tại huyện Chư Pah, Phú Thiện, Ia Grai, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku. Tổng số heo bị bệnh tai xanh tính đến ngày 11-9 là 1.852 con, đã tiêu hủy 370 con heo không còn khả năng cứu chữa. Cũng theo nhận định của lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, dịch tai xanh mới xuất hiện thời gian ngắn, nhưng tốc độ lây lan và tỷ lệ heo chết do dịch bệnh là rất lớn, khả năng bùng phát diện rộng rất cao.
Trước tình hình đó, các địa phương có dịch đã sử dụng nguồn thuốc Ben Kocil, xuất ngân sách mua vôi tiêu trùng khử độc vùng có heo mắc bệnh, rộng hơn là tiêu trùng khử độc cả vùng đệm. Bên cạnh đó, tiến hành thống kê hộ chăn nuôi trên địa bàn để xác định số lượng heo bị bệnh và không bị bệnh để khoanh vùng, cách ly điều trị số heo bị bệnh; kiểm soát chặt chẽ tình hình mua bán, vận chuyển heo ra vào địa bàn; hướng dẫn người chăn nuôi tiêu trùng, khử độc hàng ngày.
Tạm giữ 14 con heo vận chuyển trái phép vào Ayun Pa. Ảnh: A.K
Tạm giữ 14 con heo vận chuyển trái phép vào Ayun Pa. Ảnh: A.K
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 5 Trạm Kiểm dịch động vật chốt chặn tại các cửa ngõ tỉnh như: Song An, Ia Khươl, Ia Le, Krông Năng, Chư Ngọc được tăng cường thêm lực lượng Cảnh sát Giao thông, Quản lý Thị trường duy trì chế độ trực kiểm soát gia súc từ ngoài tỉnh xâm nhập vào địa bàn, tiêu trùng khử độc phương tiện giao thông 24/24 giờ. Đội kiểm soát lưu động đã chính thức nhập cuộc hỗ trợ các địa phương phòng-chống dịch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo ra vào tỉnh. Các địa phương chưa có dịch đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch cấp huyện, xã theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại các thôn, làng và hộ chăn nuôi.
Có thể nói, công tác phòng-chống dịch heo tai xanh đang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng quy trình tổ chức phòng-chống dịch bệnh hiện nay đã lộ ra những hạn chế. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phạm Ngọc Khuê cho rằng: Cái khó hiện nay không phải con người, tài chính, vật tư hóa chất, quy mô chăn nuôi heo nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong việc thống kê, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh. Tiếp nữa là thiếu thuốc đặc trị dẫn đến việc phòng-chống dịch bệnh tai xanh luôn bị động. Và khó khăn nhất là nhận thức người dân về nguy hại của dịch heo tai xanh chưa đầy đủ nên việc khoanh vùng, xử lý mầm bệnh chưa triệt để.
Tại thị xã Ayun Pa, khi xảy ra tình trạng heo bệnh, người dân không báo cáo với cơ quan Thú y hoặc chính quyền địa phương mà tự mua thuốc về tiêm. Người dân tự ý mang heo chết đi chôn hoặc tiêu hủy không theo quy trình hướng dẫn của cơ quan Thú y gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thêm vào đó đã xuất hiện tình trạng bán chạy heo ốm, vận chuyển lén lút từ vùng dịch sang vùng không có dịch. Đêm 30-8, đội kiểm soát lưu động đã lập biên bản tạm giữ 14 con heo có trọng lượng trung bình từ 50 kg đến 70 kg vận chuyển trái phép từ Đak Lak vào thị xã Ayun Pa để giết mổ.
Quang Khoa
Biện pháp phòng bệnh heo tai xanh

Chuồng trại phải thoáng mát mùa hè, giữ ấm mùa đông. Làm vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Dùng vôi bột, thuốc sát trùng tiêu độc, khử trùng định kỳ 1-2 tuần/lần. Chuồng trại có hố sát trùng tại cửa ra vào. Hạn chế người ra vào chuồng trại, nhất là người mua heo. Thức ăn rõ nguồn gốc, thức ăn tận dụng phải nấu chín. Tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu. Tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Đặc biệt, con giống mua về chăn nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, nuôi cách ly ít nhất 15 ngày…

(Nguồn: Cục Thú y)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.