Sức mạnh của sự khích lệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những lời khích lệ, động viên có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người dù ở độ tuổi, cương vị nào. Đó là chất xúc tác tạo nên sự hứng khởi để người nhận thêm tự tin, cố gắng hơn nữa trong công việc cũng như cuộc sống.
Tôi làm việc liên quan đến viết lách. Còn nhớ những ngày mới chập chững vào nghề, một số bài viết của tôi còn chưa thật sâu sắc, cách thể hiện thiếu chặt chẽ, diễn đạt đôi lúc vụng về. Tình trạng ấy kéo dài gần 2 năm liền khiến tôi đôi lúc tự hỏi: Phải chăng mình không hợp với nghề này, nhất là khi bài viết gửi lên nhưng bị trả về vì không đạt yêu cầu? Có lẽ, tôi sẽ mãi quẩn quanh trong suy nghĩ thiếu tích cực như thế cho đến khi nhận được lời động viên của một đồng nghiệp lớn tuổi trong cơ quan. 
Tôi còn nhớ, lần đó tôi vừa thực hiện xong một đề tài về nghề bánh tráng truyền thống. Để hoàn thành bài viết này, tôi dậy từ lúc 4 giờ 30 phút sáng suốt mấy ngày liền đến các lò tráng bánh khi người dân vừa bắt đầu nổi lửa để ghi nhận, phỏng vấn, lấy thông tin. Bài viết sau đó được chọn đăng vào số cuối tuần. Hôm sau, khi lên cơ quan, tình cờ gặp người đồng nghiệp cùng lời động viên của chú: “Bài viết hôm nay của cháu tốt đó. Cố gắng phát huy nhé”. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được lời khích lệ, lại là của bậc cha chú-người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề viết. Những lộc chồi vui sướng cứ thế nảy nở, len lỏi trong tôi. Tôi đọc đi đọc lại thật nhiều lần bài viết ấy và cảm thấy công sức của mình bỏ ra thật xứng đáng. Cũng từ đó, tôi bớt phần nào tự ti, chán nản để cố gắng hơn nữa trong công việc. Tôi dần tự tin hơn với bản thân và tìm ra được mảng đề tài yêu thích để đào sâu tìm hiểu. Càng làm, tôi càng như con ong say mật và cảm thấy mình hợp với nghề viết này. 
Một lần, tôi nhờ con trai dọn dẹp đồ chơi đang bày bừa dưới sàn nhà. Sau một lúc loay hoay, cu cậu đã trả lại hiện trạng ngăn nắp ban đầu. Thấy thế, tôi cười nói: “Mẹ cảm ơn nhé. Con giỏi lắm!” rồi tiếp tục làm việc của mình. Trong lúc ấy, cậu chàng vẫn cặm cụi sắp xếp lại gối sofa, đặt ly nước về đúng chỗ, để những đôi dép ngay hàng, thẳng lối. Sau đó, con lại đi lấy khăn lau bàn, kệ tủ ti vi, dù mẹ không sai bảo. Lúc ấy, tôi liền hỏi: “Mẹ đâu có nhờ con làm việc nhà đâu”. Con liền đáp: “Con tự làm thôi. Vì con muốn được mẹ khen hai lần”. 
Vậy mới thấy, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, giá trị của lời khích lệ, động viên đúng lúc là rất lớn. Một lời động viên đúng lúc sẽ giúp người đối diện nhận ra giá trị của bản thân, thấy được tôn trọng, được yêu thương và họ sẽ có khuynh hướng cố gắng tạo ra nhiều hành vi tương tự như thế hoặc tốt đẹp hơn sao cho xứng đáng. Vì thế, dù ở cương vị nào, sự khích lệ đúng lúc sẽ đều tạo ra những giá trị tốt đẹp. Lãnh đạo động viên, biểu dương nhân viên sẽ giúp nâng cao năng suất lao động; thầy cô khen ngợi học trò sẽ tạo nên lớp học sinh biết nỗ lực, phấn đấu; cha mẹ khích lệ con cái sẽ giúp con ngoan ngoãn, tự tin, tự giác, biết nghe lời… Và quan trọng hơn, khi lời khích lệ sẽ tạo nên giá trị thật nếu xuất phát từ sự chân thành. 
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thương thân”, đã đóng góp ủng hộ quỹ Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.