Mang Yang khắc phục tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) có hơn một nửa số trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký khai sinh đúng hạn để đảm bảo quyền lợi.
Huyện Mang Yang có 18 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Bahnar chiếm 62% dân số. Trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên phần lớn bà con dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến việc đăng ký giấy khai sinh cho con em mình, tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn luôn ở mức cao.
Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện, năm 2020, toàn huyện có 1.653 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 762 trường hợp đăng ký khai sinh đúng hạn (chiếm hơn 46%), 891 trường hợp khai sinh quá hạn (chiếm gần 54%). Các trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn.
Người dân đến bộ phận một cửa xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) làm thủ tục đăng ký khai sinh. Ảnh: R’Ô Hok
Người dân đến bộ phận một cửa xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) làm thủ tục đăng ký khai sinh. Ảnh: R’Ô Hok
Xã Đak Djrăng có 1.623 hộ với 6.170 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,53%. Đây cũng là địa phương có nhiều trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn.
Anh Nội-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã-cho biết: “Nhiều trường hợp do cha mẹ không biết chữ, sinh con tại nhà không có giấy chứng sinh hoặc các cặp vợ chồng thuộc diện tảo hôn, sợ bị phạt nên không chủ động trong việc đăng ký khai sinh cho con. Cũng có trường hợp cha mẹ đi đăng ký khai sinh cho con mà không nhớ ngày tháng sinh, phải nhờ cán bộ tự đặt ngày tháng sinh rồi điền vào giấy khai sinh”.
Lý giải thêm về tình trạng trên, anh Nội thừa nhận: Trước đây, công tác tuyên truyền pháp luật chưa được chú trọng nên nhiều người dân không nắm được các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một số người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, khi gặp vướng mắc, cán bộ chưa tận tình hướng dẫn khiến họ ngại tiếp xúc, dẫn đến tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn.
Chị Trần Thị Thu Thảo-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Đak Yă thì cho hay: “Nhiều trường hợp khai sinh cho con quá hạn tới 60 ngày. Nguyên nhân là do người dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh. Nhiều người khi gặp vướng mắc liên quan tới giấy tờ tùy thân hoặc các quyền lợi, các chế độ chính sách thì mới đăng ký giấy khai sinh cho con em mình. Thậm chí có trường hợp con vào lớp 1 thì cha mẹ mới đi đăng ký khai sinh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi được cấp thẻ bảo hiểm y tế của trẻ và các khoản trợ cấp khác”.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên và cán bộ tư pháp-hộ tịch cấp xã. Bên cạnh đó, Phòng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xuống tận thôn, làng để tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, sinh động. Các xã, thị trấn cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả bộ phận “một cửa” để giải quyết nhanh các thủ tục giấy tờ cho người dân. 
Ông Sun-Trưởng thôn Đak Trôk (xã Đak Yă) chia sẻ: “Để hạn chế tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn, trong các cuộc họp hàng tuần, Ban Nhân dân thôn, Chi hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con thực hiện tốt các quy định của pháp luật như: kết hôn phải đủ tuổi, đăng ký khai sinh đúng hạn...”.
Ông Sun-Trưởng thôn Đak Trôk (xã Đak Yă) vận động, tuyên truyền người dân đăng ký khai sinh cho con đúng hạn. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Sun-Trưởng thôn Đak Trôk (xã Đak Yă) tuyên truyền, vận động người dân đăng ký khai sinh cho con đúng hạn. Ảnh: R'Ô Hok
Còn chị Oănh (làng Đak Trôk) thì bộc bạch: “Trước đây, do không hiểu biết pháp luật nên khi đứa con đầu tròn 1 tuổi, tôi mới đăng ký khai sinh. Sau khi được cán bộ tuyên truyền thì tôi đã hiểu ra. Khi sinh đứa thứ 2, chồng tôi đã đến trụ sở UBND xã đăng ký khai sinh để sau này cháu có thể đi học và không bị mất quyền lợi”.
Trao đổi với P.V, ông Thân Văn Thái-Trưởng phòng Tư pháp huyện Mang Yang-thông tin: Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh đúng hạn nói riêng. Thông qua các buổi tuyên truyền, đơn vị sẽ lồng ghép phổ biến các chế độ chính sách liên quan để người dân nắm rõ quyền lợi của mình khi đăng ký khai sinh đúng hạn.
“Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ tư pháp-hộ tịch ở các xã, thị trấn; chỉ đạo công chức tư pháp-hộ tịch thường xuyên xuống thôn, làng kiểm tra và vận động người dân đăng ký khai sinh đúng hạn. Đồng thời, chú trọng đăng ký hộ tịch lưu động đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Thái nhấn mạnh.      
R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

Thư cảm ơn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thương thân”, đã đóng góp ủng hộ quỹ Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.