Gia Lai: Đề xuất xử lý sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai vừa có Tờ trình số 2832/SNNPTNT-TTr gửi UBND tỉnh về việc đề xuất xử lý sai phạm trong công tác trồng rừng, sử dụng kinh phí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa.
Theo đó, sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT họp thống nhất với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đề xuất các biện pháp khắc phục đối với sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa (Ban Quản lý). Cụ thể: Đối với diện tích rừng trồng năm 2019 bị mất 10,36 ha nhưng hiện trạng vẫn còn tỷ lệ cây sống đạt 83%. Vì vậy, đối với diện tích trên yêu cầu Ban Quản lý có trách nhiệm tiếp tục chăm sóc, quản lý bảo vệ đến khi đạt tiêu chí thành rừng. Đối với các sai sót trong việc nghiệm thu chăm sóc, báo cáo hiện trạng, cung cấp hồ sơ để đoàn giám sát khẳng định 10,36 ha rừng trồng vào năm 2019 bị chết, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Trọng Khải-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý, vì báo cáo không trung thực đối với hiện trạng thực tế.
Chăm sóc vường cây giống thông 3 lá (ảnh minh họa)
Chăm sóc vường cây giống thông 3 lá. (Ảnh minh họa)
Đối với diện tích 33,1 ha rừng trồng năm 2020, theo kết quả kiểm tra thực tế của Sở Nông nghiệp và PTNT, mật độ cây còn 10%, yêu cầu Ban Quản lý tiếp tục thực hiện chăm sóc, trồng dặm, quản lý bảo vệ theo đúng quy định. Đối với rừng trồng năm 2020, khi triển khai thực hiện trồng, chăm sóc trải qua các lãnh đạo quản lý khác nhau gồm: ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2020; ông Vũ Anh Văn-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý từ tháng 5-2020 đến tháng 7-2021; ông Nguyễn Trọng Khải từ tháng 7-2021 đến nay. Việc bàn giao giữa các lãnh đạo còn nhiều thiếu sót trong hồ sơ quản lý, bàn giao thực địa, chưa làm tròn trách nhiệm của mỗi cá nhân qua từng thời gian cụ thể; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến từng giai đoạn quản lý. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ thành lập đoàn thanh tra đột xuất, tiến hành thanh tra việc sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng năm 2020 tại Ban Quản lý để có kết luận các sai phạm về hành chính, tài chính, tài sản cụ thể. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ báo cáo kết quả thanh tra về UBND tỉnh trước ngày 10-9-2022.
Các vấn đề về thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt dự án trồng rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng qua từng năm và cả chu kỳ trồng rừng; việc lập kế hoạch, giao vốn, triển khai kế hoạch trồng rừng, các thủ tục đấu thầu, hợp đồng triển khai, quyết toán, giám sát, chỉ đạo thực hiện theo Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công còn nhiều quy định khác nhau cần xác định và kết luận rõ. Do vậy, đoàn thanh tra đột xuất sẽ củng cố hồ sơ, kiểm tra thực địa và kết luận đề xuất UBND tỉnh xử lý đúng quy định của pháp luật trước ngày 10-9-2022.
Trước đó, như Báo Gia Lai điện tử đã thông tin, qua kiểm tra việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2019 đến 2021 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều sai phạm tại đơn vị này như: không thực hiện đấu thầu theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ; để mất rừng; tạm ứng bằng tiền mặt cho đơn vị trồng rừng không đúng quy định; Ban Quản lý đã tự thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán hợp đồng trồng và chăm sóc rừng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan cấp trên…; gây thiệt hại tiền ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.
                                                                                           LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

(GLO)- Sáng 30-4, ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai kích hoạt "báo động đỏ" để tổ chức cấp cứu cho các nạn nhân vụ hai xe khách va chạm vào rạng sáng nay tại đường tránh Chư Sê và quốc lộ 25.
Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Điều tra mở rộng vụ đường dây mua bán hóa đơn hơn 2.500 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu, công an xác định nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn từ đường dây trên để đưa vào sử dụng trong hoạt động tài chính, kế toán, báo cáo thuế, vi phạm quy định của pháp luật.