Gia Lai phấn đấu thu gom, phân loại 100% chất thải nhựa trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trong nông nghiệp. 

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện lồng ghép kế hoạch hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa trong chương trình khuyến nông và chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Kế hoạch đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2022-2025, giảm sử dụng tối thiểu 15-30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 60-100% và tái sử dụng được tối thiểu 12-25% chất thải nhựa thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp. Tương tự, giảm sử dụng tối thiểu từ 20-50% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại 100% và tái sử dụng từ 20-30% chất thải nhựa trên các lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2026-2030. 

Đối với lĩnh vực thủy sản, mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là tối thiểu 10% cơ sở thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; tối thiểu 50% cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ và 70% cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở. Giai đoạn 2026-2030, mục tiêu lần lượt tăng lên 20%, 70% và 100%.

Cũng theo kế hoạch, từ nay đến 2030, mục tiêu có 100% cán bộ quản lý ngành Nông nghiệp được tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa. 100% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa ngành Nông nghiệp. 

Để triển khai đạt các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đặt ra các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong nông nghiệp bằng cách ưu tiên lựa chọn sử dụng vật liệu phân hủy sinh học; ứng dụng các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua các biện pháp như: giảm sử dụng vật liệu nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa. Xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành Nông nghiệp. 

Cùng với đó tổ chức thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong nông nghiệp; đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa dành cho nông nghiệp.

PHƯƠNG VI

 

Có thể bạn quan tâm