Phát hiện hóa thạch khủng long kỳ lạ khiến các nhà khoa học sửng sốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thợ săn hóa thạch đã khai quật được các đoạn xương kỳ lạ của một loài khủng long thuộc chi ankylosaur ở Morocco.

Tiến sĩ Susannah Maidment tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Londoncùng hóa thạch loài ankylosaur cổ nhất từng được phát hiện. Ảnh: Chụp màn hình The Guardian
Tiến sĩ Susannah Maidment tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Londoncùng hóa thạch loài ankylosaur cổ nhất từng được phát hiện. Ảnh: Chụp màn hình The Guardian
The Guardian ngày 23.9 đưa tin các thợ săn hóa thạch đã khai quật được xương của một loài khủng long thuộc chi ankylosaur (thằn lằn hợp nhất) cổ nhất và kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên dãy núi Middle Atlas ở Morocco.
Các hóa thạch vừa khai quật được có gai gắn liền với xương. Theo các nhà nghiên cứu, đây là đặc điểm chưa từng có trong vương quốc động vật.
“Điều này rất kỳ lạ. Thông thường, lớp gai ở các loài thuộc chi stegosaurus (thằn lằn mái nhà) và ankylosaur gắn vào da chứ không gắn vào khung xương. Ở hóa thạch vừa được phát hiện, gai không chỉ nằm trên khung xương mà còn hợp nhất với xương sườn", tiến sĩ Susannah Maidment, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh), cho biết.
Các nhà nghiên cứu tại bảo tàng đã mua lại hóa thạch từ một nhà sưu tập tư nhân. Ban đầu, họ nghi ngờ hóa thạch thuộc về một loài stegosaurus mới đã được xác định vào năm 2019 ở cùng khu vực. Tuy nhiên, khi quan sát hóa thạch dưới kính kính hiển, các nhà khoa học tìm thấy mẫu sợi đặc biệt chỉ có ở chi ankylosaur.
Phát hiện này bất thường đến mức các nhà khoa học nghi ngờ đây là hóa thạch giả. Song, kết quả kiểm tra bằng máy quét CT cho thấy hóa thạch này không có dấu vết của việc bị can thiệp.
Hóa thạch này có niên đại cách đây khoảng 168 triệu năm, giữa kỷ Jura. Điều này khiến đây là một trong những loài ankylosaur xuất hiện sớm nhất trên Trái Đất. Ngoài việc là hóa thạch ankylosaur cổ nhất được biết đến cho đến nay, đây còn là hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở châu Phi.
Bà Maidment cho biết hóa thạch này có thể thuộc về một loài ankylosaur cổ đại sau này tiến hóa thành các loài ankylosaur khác, hoặc một loài ankylosaur hoàn toàn mới. Thông tin chi tiết về hóa thạch đã được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution.
Ankylosaur là chi khủng long ăn cỏ có xương sọ dày, cứng. Cơ thể chúng phủ gai và đuôi hình quả chùy. Những con ankylosaur có thể dài tới 7 m và nặng 4 tấn. Hầu hết hóa thạch của chi này được phát hiện ở Mỹ, Canada và có niên đại từ 74 đến 67 triệu năm trước. Tuy nhiên hóa thạch mới phát hiện cho thấy ankylosaur có thể đã xuất hiện trên Trái Đất từ lâu hơn khoảng thời gian đó.
Theo Đông A (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.