Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc kháng sinh Tetracyclin giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng vừa ký ban hành Công văn số 5710 QLD/CL (Công văn 6710) gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về thuốc giả Tetracyclin.

Công văn 6710 nêu: Cục Quản lý dược có nhận được Biên bản lấy mẫu xác định chất lượng của Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa về sản phẩm trên nhãn ghi “Viên nén Tetracycin” 250 mg (SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng (không có hoạt chất).
 

 Hình ảnh lọ thuốc thật (trái) có đặc điểm ghi nhãn khác với lọ thuốc giả (phải). Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC
Hình ảnh lọ thuốc thật (trái) có đặc điểm ghi nhãn khác với lọ thuốc giả (phải). Ảnh: CỤC QUẢN LÝ DƯỢC


Căn cứ mẫu sản phẩm thuốc nêu trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa gửi đến Cục Quản lý dược; căn cứ các công văn của Công ty TNHH MTV 120 Armepharco báo cáo tình hình sản xuất, phân phối lô thuốc viên nén Tetracyclin 250 mg và một số tài liệu liên quan; sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành và y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: viên nén Tetracyclin 250 mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco.

Theo Cục Quản lý dược, thuốc thật và thuốc giả có dấu hiệu phân biệt về ghi nhãn và các đặc điểm viên thuốc.

Trong đó, đối chiếu thông tin trên nhãn có một số đặc điểm khác biệt. Cụ thể:

Thuốc thật phần ghi trên nhãn, ở dòng chỉ định, giữa dấu “:” và chữ “xem” không có khoảng cách; dòng ghi cách dùng giữa dấu “:” và chữ “uống” không có khoảng cách.

Dòng ghi nội dung “nhiễm trùng do Streptococcus" có chữ “Streptococcus” in nghiêng.

Thuốc giả ở dòng chỉ định, giữa dấu “:” và chữ “xem” có khoảng cách; dòng ghi cách dùng, giữa dấu “:” và chữ “uống” có khoảng cách.

Dòng ghi nội dung “nhiễm trùng do Streptococcus", chữ “Streptococcus” không in nghiêng.

Về đặc điểm viên thuốc, thuốc thật nét khắc chữ "T X" sắc nét; viên thuốc màu vàng xanh; còn thuốc giả nét khắc chữ "T X" không sắc nét, viên thuốc màu vàng.

Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế các tỉnh, thành phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm viên nén Tetracyclin 250 mg giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm viên nén Tetracyclin 250 mg giả nêu trên; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc viên nén Tetracyclin 250 mg giả; đồng thời, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và nguồn gốc lô thuốc giả về Cục Quản lý dược.

Theo Liên Châu (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật đã được chứng minh là có tiềm năng dược lý rộng rãi. Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ, như trà, chiết xuất, viên nén..., thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.