Khi chúng nảy mầm, những cây tuyết tùng Clanwilliam non phải vật lộn để tồn tại mà không có nước. Chưa kể, nhiệt độ tăng đang gây ra nhiều vụ hỏa hoạn làm chết cây.
Dãy núi Cederberg đẹp và hiểm trở ở Western Cape của Nam Phi được đặt theo tên của một trong những cây hiếm nhất trên hành tinh - cây tuyết tùng Clanwilliam.
Loài cây biểu tượng của Nam Phi này có nguồn gốc từ 225 triệu năm trước và sống sót qua kỷ băng hà.
Bà Rika du Plessis, người quản lý bảo tồn có nhiệm vụ cứu cây tuyết tùng Clanwilliam trong suốt 17 năm qua, cho biết, do biến đổi khí hậu, cả thế giới đang trải qua nhiệt độ cao hơn, lượng mưa thấp hơn, ngăn chặn việc hạt nảy mầm tự nhiên. Khi chúng nảy mầm, những cây non phải vật lộn để tồn tại mà không có nước. Chưa kể, nhiệt độ tăng đang gây ra nhiều vụ hỏa hoạn làm chết cây.
Bà Rika du Plessis đã đích thân tham gia trồng hơn 13.000 cây tuyết tùng Clanwilliam. Nhưng để một cây tuyết tùng tồn tại không dễ. Loài gặm nhấm thì thích ăn chồi non của cây và hỏa hoạn là mối đe dọa đáng kể. Chỉ có 10% số cây được trồng ở nơi hoang dã tồn tại được. Vì vậy, để tăng cơ hội, bà Rika du Plessis cũng đang tạo ra các đồn điền tuyết tùng.
Ở đây, cây tuyết tùng được trồng trong “waterboxxes” - những thùng nhựa thu nước mưa và dẫn nước đến rễ của cây qua một sợi bông. “Waterboxxes cung cấp nước cho cây trong suốt cả năm và chúng tôi nhận thấy 100% tồn tại khi được trồng bằng waterboxxes”, bà Rika du Plessis nói.
Bà Rika du Plessis mô tả cây tuyết tùng Clanwilliam là “một loại cây tuyệt vời”. Đó là lý do tại sao bà dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ nó. “Tôi phải tin rằng những nỗ lực mà chúng tôi đang làm sẽ cho kết quả và nó đang tạo ra sự khác biệt. Ngay cả một sự khác biệt nhỏ cũng là một sự khác biệt”, bà Rika du Plessis khẳng định.
Theo GIA BẢO (SGGPO)