Cây ăn quả-Trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su… tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh.
Sáng 10/9, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Hội cây ăn quả tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp quản lý sâu, bệnh hại trên cây sầu riêng, bơ và mít”, nhằm đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao của tỉnh đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay.
Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 20.000 ha cây ăn quả, trong đó có những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao như: cây bơ khoảng 6.000 ha, sầu riêng gần 7.000 ha, cây mít gần 2.000 ha, xoài hơn 1.000 ha… Doanh thu hàng năm từ các loại cây ăn quả ước đạt 500 tỷ đồng.
 
Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 20.000 ha cây ăn quả.
Tuy nhiên, tại hội thảo các đại biểu cho rằng, khó khăn hiện nay là diện tích trồng cây ăn quả tại Đăk Lăk còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu trồng theo hướng tự phát, trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Cây giống, độ tuổi, chất lượng giống chưa đảm bảo nên sản phẩm quả chưa đồng đều về hình dạng, màu sắc, kích thước. Kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của người dân còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để vượt qua các yêu cầu của thị trường, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch Hội cây ăn quả Đăk Lăk đề xuất nông dân cần liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
 
Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk.
“Mặc dù các loại cây ăn quả đã được người dân trồng từ lâu cũng đã có những kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên để mang tính chất đồng bộ, cho ra một sản lượng nông sản lớn đồng nhất về mẫu mã, kích thước, chất lượng thì chưa được vì vậy việc tham gia các hội, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng được chuỗi liên kết cũng như vùng nông sản tập trung người dân cần liên kết để giúp việc đàm phán thương mại được dễ dàng và cho giá trị kinh tế cao hơn” - ông Chương nói.
Với xu hướng phát triển nhanh về diện tích cây ăn quả cùng hàng chục nghìn ha sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh trong những năm tới, điều này đồng nghĩa với sản lượng trái cây cũng sẽ tăng.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk: Khi người dân nhận thức đúng về vai trò trách nhiệm của người sản xuất, chính quyền có định hướng, quy hoạch rõ ràng và các doanh nghiệp giải quyết tốt công tác thị trường, sẵn sàng về công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cây ăn quả sẽ thực sự trở thành trụ cột nông nghiệp mới của Đăk Lăk cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su… tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh.
“Tỉnh hướng tới phải tập trung mạnh hơn nữa về diện tích sản lượng, chất lượng cây ăn quả và đối tượng quan trọng nhất cần hướng tới là phải lôi kéo, thúc đẩy được các doanh nghiệp vào cuộc từ sản xuất đến thu mua, chế biến còn người nông dân họ sản xuất phải hướng tới liên kết tổ chức lại sản xuất đảm bảo chất lượng chung, tiêu chuẩn chung theo yêu cầu xuất khẩu” - ông Côn nói.
Hương Lý (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm