Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tiềm năng về thổ nhưỡng và khí hậu, thị xã An Khê đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi theo hướng hàng hóa, bền vững.
Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả có múi ở An Khê khoảng 30 ha với các loại cây như: cam, quýt, bưởi, chanh... Riêng xã Cửu An diện tích cây ăn quả có múi  hơn 13 ha. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân còn mang tính tự phát, quy mô nông hộ, thiếu mô hình sản xuất lớn, khả năng đầu tư thâm canh chưa cao, việc ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế... Sản phẩm chưa được chứng nhận về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nên hiệu quả kinh tế còn thấp.
 Vườn quýt đường của một hộ dân ở thôn An Điền Nam (xã Cửu An) sẽ tham gia dự án trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.    Ảnh: N.S
Vườn quýt đường của một hộ dân ở thôn An Điền Nam (xã Cửu An) sẽ tham gia dự án trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.S
Vì vậy, UBND thị xã An Khê đã chọn xã Cửu An để triển khai dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP”. Tham gia dự án có 17 hộ dân chuyên canh các loại cây: cam, quýt và bưởi. Trong đó, quýt 11,2 ha, cam 1,5 ha, bưởi 0,3 ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 815,6 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách thị xã là 335 triệu đồng, vốn dân đóng góp hơn 480,6 triệu đồng. Khi tham gia dự án, nông dân được tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ủy ban nhân dân thị xã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị khi có giấy chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có giá cả và đầu ra ổn định, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND xã Cửu An: Thời gian qua, trên địa bàn xã dù đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả nhưng chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được bảo đảm dẫn đến thị trường không bền vững; tình trạng “được mùa mất giá” vẫn xảy ra. “Việc xây dựng vùng sản xuất sản phẩm trái cây an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện thực hiện tốt kế hoạch phát triển cây ăn quả theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã”-ông Dũng nói.
Là một trong những hộ được chọn tham gia dự án, ông Nguyễn Trung Thành (thôn An Điền Nam) chia sẻ: Gia đình ông trồng 1 ha quýt đường cách đây 9 năm, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, gia đình ông mở rộng trồng thêm 1,5 ha quýt đường và 1 ha cam sành, dự kiến chỉ 1-2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. “Tôi rất vui mừng khi được tham gia dự án, bởi đây là cơ hội giúp tôi áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những thế, sản phẩm có mã truy xuất nguồn gốc sẽ được kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ với giá cả và đầu ra ổn định, sẽ không còn cảnh bị thương lái ép giá”.
Trao đổi thêm với P.V về dự án này, ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An” sẽ giúp người dân mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là mô hình để các hộ dân trên địa bàn thị xã tham quan học hỏi và chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hướng sản xuất tập trung, an toàn, chất lượng cao. Cũng theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê, khi các hoạt động sản xuất được triển khai, dự kiến đến năm 2020 nông dân xã Cửu An sẽ sản xuất ra 54,6 tấn trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP và được truy xuất nguồn gốc, tổng lợi nhuận thu dự kiến hơn 927,4 triệu đồng; đến năm 2021, sẽ sản xuất khoảng hơn 193 tấn trái cây với tổng lợi nhuận thu theo dự kiến là hơn 2,7 tỷ đồng.
Tới đây, thị xã sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi về sử dụng đất trồng cây ăn quả, xây dựng các công trình dịch vụ kỹ thuật và thương mại, kết cấu hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả; xây dựng cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây ăn quả nhằm tạo thêm việc làm cho lao động và đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khuyến công, khuyến nông, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực thị trường cho nông dân; tăng cường quảng bá sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp nhằm tìm thị trường bền vững cho sản phẩm cây ăn quả của An Khê”-ông Mỹ cho biết thêm.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.