(GLO)- Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân đặc biệt có khối u “khủng” kích thước 30x25x20 cm, nặng trên 5 kg.
Ngày 9-7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống bệnh nhân Võ Thị Hồng Lam bị u quái buồng trứng vỡ. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt cao, bụng chướng căng, khó thở, suy hô hấp nguy kịch. Lập tức, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, mời hội chẩn và xác định bệnh nhân bị u quái buồng trứng vỡ gây tràn máu ổ bụng, suy hô hấp do tràn dịch màng phổi hai bên, nên tiến hành mổ cấp cứu bóc u quái buồng trứng để truyền máu, dẫn lưu màng phổi hai bên. Sau đó, cắt bỏ để lấy khối u kích thước 30x25x20 cm, nặng trên 5 kg.
Bệnh nhân Võ Thị Hồng Lam sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bùi Oanh |
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, ổn định với các ống dẫn lưu hết ra dịch và có thể uống sữa và ăn cháo nhẹ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, u nang buồng trứng không phải chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn gặp ở trẻ em. Nếu như ở người lớn, 80% trường hợp u buồng trứng là ung thư (bướu ác biểu mô) thì ở trẻ em, tỷ lệ này chiếm 30%. Nguyên nhân gây u buồng trứng (UBT) ở trẻ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, UBT ở trẻ em thường có nguồn gốc từ tế bào mầm (G.C.T.-gonadal germ cell tumors), 75% là lành tính. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở giai đoạn đầu, trẻ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ hay đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, sờ vào sẽ dễ dàng phát hiện u do trẻ có thành bụng mỏng. Hầu hết bệnh nhi nữ được phát hiện khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở hạ vị.
Cũng có trường hợp bệnh được tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng. Một số trường hợp trẻ có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều, dậy thì sớm, nam hóa, trẻ có thể đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn. Đặc biệt, một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng thì có thể xuất hiện một số triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến bệnh như tiểu rắt, tiểu khó (nếu chèn ép bọng đái), tiêu bón (chèn ép trực tràng), phù hai chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)… Nếu không được can thiệp đúng, UBT có thể xảy ra các biến chứng như: xoắn u nang, nhất là đối với các u nang lớn có cuống; vỡ u nang, do u quá lớn kèm xuất huyết bên trong u; chèn ép các tạng xung quanh, khi u phát triển quá lớn và phát hiện quá muộn. Do mức độ nguy hiểm như thế, nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đi khám ngay: đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau; bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau. Việc điều trị khối UBT tùy thuộc vào tuổi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển bệnh.
Bùi Oanh