Công trình thủy điện An Khê-Ka Nak là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia, được khởi công xây dựng từ năm 2005 và dự kiến cuối năm 2009 sẽ đưa vào hoạt động. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa thể thi công hoàn thiện vì một số hộ dân tại xã Cửu An (thị xã An Khê) khiếu kiện vì không đồng ý với mức đền bù để di dời, đồng thời có những hành vi chống đối làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình…
Vụ việc bắt đầu phức tạp, khi đơn vị thi công xây dựng hạng mục kênh dẫn nước qua địa phận xã Cửu An (thị xã An Khê), 17 hộ dân nơi đây gửi đơn khiếu kiện và ngăn cản đơn vị thi công, vì cho rằng mức giá đền bù chưa hợp lý. Sau một thời gian bàn bạc, giải quyết thấu tình đạt lý, 15 hộ dân đã tự nguyện di dời đến khu tái định cư mới với mức đền bù thỏa đáng, nhưng vẫn còn 2 hộ dân không chịu di dời và tiếp tục khiếu kiện.
|
Đo mức độ ô nhiễm tại nhà bà Yến. Ảnh: Lê Anh |
Trong đơn khiếu kiện của bà Lâm Thị Cảnh-thôn An Điền Nam 2-xã Cửu An ngày 9-11-2009, bà Cảnh yêu cầu giải quyết đền bù đúng với hiện trạng cây cối, hoa màu và nhà cửa một cách hợp lý, di dời gia đình bà tới khu tái định cư… Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ khi khởi công kênh phụ số 3 (kênh chống lũ và thoát nước) đi ngang qua phần đất của nhiều hộ dân, trong đó có gia đình bà Cảnh. Gia đình bà đã được đền bù hơn 730 triệu đồng để di dời. Nhưng bà Cảnh vẫn không đồng ý với số tiền trên vì cho rằng chưa thỏa đáng, nên vẫn tiếp tục ở lại không chịu đến khu tái định cư. Năm 2008, do chưa hoàn thành kênh phụ số 3, nên khi mưa lũ nước tràn xuống khu vực thi công kênh chính làm thiệt hại cho công trình và đơn vị thi công hàng tỉ đồng. Để đảm bảo phòng-chống lũ năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo thay đổi thiết kế kênh thoát nước số 3, nên diện tích đất của gia đình bà Cảnh không còn nằm trong khu vực thu hồi đất và di dời đến khu tái định cư mà chỉ thuộc diện đền bù do chấn động nổ mìn. Đến thời điểm này, bà Cảnh bắt đầu khiếu kiện lên các cấp và có những hành vi chống đối, ngăn cản việc thi công.
Ngày 23-10-2009, Thanh tra tỉnh Gia Lai có công văn thống nhất với Quyết định số 1665/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thị xã An Khê về việc giải quyết khiếu nại của bà Cảnh: Không đồng ý yêu cầu bồi thường giải tỏa, thu hồi đất, thực hiện chế độ tái định cư với gia đình bà Cảnh. Tại thời điểm này, hơn 20 hộ dân cũng tố cáo một số diện tích cây trồng và nhà ở của bà Cảnh được trồng và xây dựng để "chạy" dự án.
Còn trường hợp của gia đình bà Bùi Thị Yến, khiếu nại về việc nổ mìn làm nứt nhà, vỡ ngói, giếng nước không sử dụng được; trạm trộn bê tông, nghiền đá của Công ty Sông Đà 10-2 gây ô nhiễm, nên yêu cầu được đền bù và di dời đến khu tái định cư. Nhưng trong báo cáo số 29/BC-SCT ngày 18-5-2009 của Sở Công thương, nhà bà Yến cách điểm nổ mìn 320 mét (tiêu chuẩn nổ mìn Việt Nam trong bán kính 300 mét mới được đền bù). Căn cứ phiếu kết quả thử nghiệm mẫu nước giếng ngày 2-6-2009 của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), các mẫu thử đều thấp hơn mức quy định cho phép. Nhà bà Yến cách trạm nghiền đá, trộn bê tông từ 180 mét đến 200 mét nên không ảnh hưởng đáng kể. Ngày 26-3-2009, hộ gia đình bà Yến nhận 12 triệu đồng tiền hỗ trợ thuê nhà, nhưng bà không thực hiện theo cam kết…
Ông Lê Thanh Tâm-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Trong vụ việc này, xuất hiện một số đối tượng xấu xúi giục người dân. Chúng tôi đã tích cực vận động, thuyết phục, thậm chí xử phạt hành chính, nhưng các đối tượng này vẫn không thay đổi. Trong thời gian tới chúng tôi xin ý kiến cấp trên có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này…”.