(GLO)- Cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là điều cần thiết để phù hợp với sự phát triển của thị trường điện lực hiện nay. Tuy nhiên, các phương án mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Vì nếu áp dụng theo 2 phương án mới tức là tính đồng giá hay rút xuống còn 3 hoặc 4 bậc thang, thì đối tượng được hưởng lợi lại không phải là người nghèo, người có thu nhập trung bình mà chủ yếu lại là người giàu.
Ảnh: Quang Minh |
Nhằm thực hiện chủ trương điều hành giá điện đi theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, có 3 phương án được đưa ra: phương án 1 là giữ nguyên 6 bậc như hiện hành; phương án 2, quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá); phương án 3 rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc (trong phương án 3 được chia làm 5 kịch bản). Những phương án này đều có những ưu-nhược điểm riêng. Nhưng nhìn chung, ở 2 phương án mới những người sử dụng điện ít (từ 50 đến 200 kWh/tháng) chủ yếu là người nghèo, người có thu nhập thấp và trung bình lại bị chịu mức giá chênh lệch tăng. Trong khi những hộ sử dụng nhiều (từ 300 đến 500 kWh/tháng) lại hưởng lợi vì biểu giá giảm. Nhất là đối với phương án quy định về một mức giá (đồng giá). Với cách “cào bằng” đưa giá điện chỉ còn duy nhất một mức là 1.747 đồng/kWh, tức là dùng nhiều hay ít đều phải trả như nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng phương án này sẽ gây ra tác động lớn bởi những hộ dùng ít và trung bình khoảng 240 kWh/tháng sẽ bị tăng tiền điện hàng tháng. Hơn nữa, phương án này không phù hợp với Luật Tiết kiệm năng lượng vì không khuyến khích tiết kiệm điện.
Là người trực tiếp tham gia Hội thảo về vấn đề này, ông Văn Đình Hậu-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho rằng, đa số các ý kiến tại hội thảo đều nghiêng về phương án 3, tức là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc. Ưu điểm của phương án này là việc giảm từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc sẽ giúp cho quản lý, kiểm tra, giám sát đơn giản hơn, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hơn và góp phần thực hiện chính sách xã hội đối với những người sử dụng ít điện và khả năng chi trả thấp. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là còn có bất cập về quản lý của việc ghi chỉ số công tơ khi thanh toán tiền điện với khách hàng. Nếu triển khai phương án này, khách hàng phải chấp nhận khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá cao hơn trước do rút ngắn bậc mà vẫn phải đảm bảo giá điện bình quân hiện hành. Cụ thể, ở phương án rút còn 3 bậc thì những hộ sử dụng 50 kWh sẽ phải trả 75.050 đồng (cao hơn giá hiện hành là 850 đồng), hộ sử dụng 200 kWh/tháng thì hóa đơn thanh toán sẽ là 340.800 đồng (cao hơn giá hiện hành là 11.350 đồng). Ngược lại đối với hộ sử dụng từ 300-400 kWh/tháng lại giảm từ 16.000 đồng đến 22.000 đồng/tháng. Còn ở phương án rút còn 4 bậc thì những hộ sử dụng điện 100 kWh/tháng và 300 kWh/tháng chịu mức giá chênh lệch cao hơn giá hiện hành lần lượt là 6.850 đồng, 3.550 đồng, trong khi những mức khác không bị ảnh hưởng hoặc giảm từ 4.000 đồng đến 14.000 đồng…
Cũng theo ông Văn Đình Hậu thì đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc lựa chọn hay áp dụng phương án tính giá điện mới. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào thì mục đích chính của việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là nhằm khắc phục những bất cập của biểu giá điện hiện tại để có một biểu giá điện đơn giản, công khai và minh bạch hơn. Đây cũng là việc cần phải thực hiện để đưa cơ cấu biểu giá điện phù hợp với các bước phát triển của thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh, tiến tới vận hành giá điện theo cơ chế thị trường.
Lê Lan