(GLO)- Qua 3 năm triển khai thực hiện chi trả Dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, đã khẳng định tính khả thi và hiệu quả trong thực tế. Từ chính sách đã tạo ra một nguồn lực về tài chính có tính ổn định và bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Quan trọng hơn là chính sách này đã và đang góp phần cải thiện và ổn định đời sống của người dân làm nghề rừng và sống gần rừng, đặc biệt là tăng thêm thu nhập cho người dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn. Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về vấn đề này.
Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. |
* Chi trả Dịch vụ môi trường rừng là một trong những chính sách mới, trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Vậy, ông có thể nêu một vài vướng mắc khi triển khai thực hiện chính sách này?
- Ông Võ Văn Hạnh: Có thể khẳng định rằng, chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách mới, bước đầu trong tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng. Bộ máy quản lý và điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh mới được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2012. Thời gian đầu gặp phải không ít khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức hầu như mới, trong khi triển khai chính sách đòi hỏi giải quyết nhiều nội dung có tính cấp bách, tiền đề như: xác định diện tích rừng trong lưu vực chi trả; rà soát rừng và xác định ranh giới diện tích rừng trong lưu vực cung ứng cho mỗi chủ rừng; xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) gắn với rà soát rừng cấp xã; điều tra, thống kê và tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng DVMTR, đồng thời đôn đốc thu nộp kịp thời tiền chi trả DVMTR vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, nhằm phục vụ việc chi trả cho các chủ rừng…
Mặt khác, sự nhận thức về chính sách chưa được thông suốt, đặc biệt đối với một số cơ sở thủy điện, nên việc chấp hành nghĩa vụ chi trả còn chưa nghiêm túc, dẫn đến tình hình nợ đọng tiền DVMTR, đồng thời chưa giải quyết dứt điểm khoản nợ đọng của năm 2011, 2012. Ngoài ra, đối với UBND cấp xã, quản lý sử dụng tiền DVMTR cũng là một nhiệm vụ mới trong hoạt động tài chính-ngân sách xã nên bước đầu triển khai thực hiện gặp nhiều trở ngại trong bố trí, sử dụng nguồn tiền này.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với cấp xã, chúng tôi đã triển khai và hoàn thành công tác xây dựng phương án QLBVR cấp xã gắn với công tác rà soát rừng, đảm bảo điều kiện chi trả theo quy định đối với UBND cấp xã. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án QLBVR cho 90 xã giai đoạn 2013-2017. Đây là cơ sở để UBND các xã xúc tiến việc xây dựng kế hoạch hằng năm cho công tác QLBVR gắn với công tác lập và thực hiện dự toán hằng năm đối với tiền DVMTR và nguồn ngân sách hỗ trợ cho xã. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiến hành đàm phán, ký kết và phối hợp ký kết hợp đồng ủy thác chi trả với 20 cơ sở sử dụng DVMTR gồm 32 nhà máy thuộc lưu vực nội tỉnh và với 6 nhà máy thủy điện thuộc lưu vực liên tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên). Công tác này nhằm tạo lập cơ sở pháp lý trong việc huy động nguồn thu từ bên sử dụng dịch vụ để thực hiện chi trả theo chính sách.
* Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR ngay trong giai đoạn đầu mới đi vào vận hành. Ông có thể khái quát một số kết quả đạt được trong thời gian qua?
UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
- Ông Võ Văn Hạnh: Mục tiêu của chính sách chi trả DVMTR hướng đến sự bền vững trên các mặt: thúc đẩy kinh tế rừng phát triển, môi trường rừng không bị xâm hại, nâng cao dần chất lượng cung ứng dịch vụ; ổn định xã hội thông qua việc cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Điểm nổi bật là chính sách này đã góp phần thúc đẩy hỗ trợ công tác QLBVR ngày càng tốt hơn, cụ thể: diện tích giao khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước được tăng cường từ 39.372,6 ha lên 63.632,5 ha; từ 1.267 hộ nhận khoán của năm 2012 tăng lên 3.009 hộ nhận khoán trong năm 2013 (tăng 24.184,4 ha với 1.742 hộ nhận khoán). Độ che phủ rừng được duy trì ở mức 45,4% vào cuối năm 2013. Số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng giảm 13,7%; trong 8 tháng năm 2014 không xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, “lấy rừng nuôi rừng”, trong 3 năm qua tổng thu từ 493.579,3 ha rừng cung ứng DVMTR đối với 36 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy sản xuất cung ứng nước sạch được hơn 133,3 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4-2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng đã chi thanh toán cho 37 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 90 UBND cấp xã và 7 cộng đồng dân cư thôn với tổng số tiền 103,169 tỷ đồng, giải ngân 100% theo kết quả nghiệm thu...
Thêm một điều quan trọng nữa là, các chủ rừng là tổ chức nhà nước có thêm nguồn lực về tài chính để chủ động bố trí những nhiệm chi thiết yếu mà trước đây chưa có điều kiện, đặc biệt đối với các công ty lâm nghiệp trong điều kiện cắt giảm và dừng việc khai thác lâm sản nay đã có hướng tháo gỡ khó khăn về tài chính từ nguồn DVMTR.
Theo đó, bình quân của 37 chủ rừng trong 3 năm mỗi đơn vị nhận khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, chủ rừng được chi trả cao nhất trên 13 tỷ đồng, thấp nhất 80 triệu đồng. Có được nguồn tiền DVMTR, các chủ rừng đã chủ động chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các nhiệm vụ chi thiết yếu cho công tác QLBVR. Mức chi trả cho cộng đồng dân cư thôn tính trong 3 năm, hộ nhận được cao nhất là 4,5 triệu đồng, thấp nhất 255 ngàn đồng. Có thể nói, nguồn tiền DVMTR chi trả cho 90 xã có rừng cung ứng dịch vụ là nguồn tài chính quan trọng cho công tác QLBVR cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi chính quyền cấp xã triển khai công tác tổ chức bảo vệ rừng ngay tại cơ sở theo quy định.
* Trong thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR đạt kết quả tốt hơn thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có giải pháp cũng như kiến nghị gì để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách?
Chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân nhận khoán ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Ảnh: Minh Nguyễn |
- Ông Võ Văn Hạnh: Hiện chúng tôi cũng đang gặp một số vướng mắc, tồn tại cần được các bộ ngành tháo gỡ như: Xem xét lại về tỷ lệ phân chia tiền DVMTR thuộc lưu vực liên tỉnh của các thủy điện bậc thang trên dòng sông Sê San sao cho hợp lý và công bằng hơn trong phân chia tỷ lệ %. Về mức chi trả tiền DVMTR đối với thủy điện hiện còn chưa phù hợp với sự biến động tăng của giá điện tiêu dùng. Theo thống kê giá điện bán ra cho người tiêu dùng năm 2012 đã tăng lên 16,14% so với giá bán điện năm 2008 (nếu tính đến năm 2014 thì còn cao hơn nhiều) trong khi mức chi trả đối với các cơ sở thủy điện vẫn duy trì ở mức 20 đ/kW. Đối với lưu vực sông Kôn (lưu vực liên tỉnh), khi công bố diện tích rừng cung ứng DVMTR của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn A-tỉnh Bình Định thì vẫn còn thiếu diện tích rừng cung ứng. Đề nghị sớm điều chỉnh, bổ sung phần thiếu để có cơ sở tiến hành xác định diện tích rừng trong lưu vực chi trả đến từng chủ rừng, xây dựng phương án chi trả cho các chủ rừng khi thu được tiền. Sớm có hướng dẫn về cơ chế thu, sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ môi trường rừng, để có thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thêm một khó khăn nữa là, chế tài xử lý đối với cơ sở sử dụng DVMTR mới chỉ quy định áp dụng trường hợp chậm nộp tiền DVMTR bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, còn các vi phạm khác như không ký hợp đồng ủy thác, không đăng ký kế hoạch nộp, không kê khai nộp, dây dưa hoặc không nộp tiền DVMTR… chưa có qui định cụ thể để bảo đảm hiệu lực thực thi của chính sách.
Minh Nguyễn