Brazil và 20 năm thua sút châu Âu  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt 20 năm nay (kể từ sau chức vô địch tại Hàn - Nhật 2002), Brazil luôn dừng bước ngay khi gặp đối thủ châu Âu đầu tiên ở giai đoạn knock-out trên đấu trường World Cup.

Năm nay không phải là ngoại lệ. Đấy có thể là vấn đề truyền thống, hoặc không phải. Nhưng dứt khoát phải có nguyên nhân xuyên suốt thì mới lặp đi lặp lại như vậy.

Croatia ghi bàn từ pha dứt điểm chính xác duy nhất của họ trong suốt 120 phút, trong khi Brazil sút đến 11 quả chính xác. Đấy hẳn nhiên là chênh lệch lớn. Và đây chính là điểm chung so với lúc Brazil gặp Hà Lan tại tứ kết World Cup 2006. Khi ấy, Selecao cũng áp đảo hoàn toàn, ghi bàn trước từ khá sớm. Ít ai nghĩ rằng Hà Lan có thể tìm lại thế quân bình. Nhưng rốt cuộc, Hà Lan thắng ngược nhờ hai khoảnh khắc quyết định. Cũng như Croatia vừa cân bằng tỷ số ở phút 117 vậy. Càng chênh lệch (Brazil mạnh hơn), thì càng thấy rõ Brazil thua vì chiến thuật.


 

Tuyển Brazil dừng bước tại tứ kết World Cup 2022. Ảnh: AFP
Tuyển Brazil dừng bước tại tứ kết World Cup 2022. Ảnh: AFP



Thoạt nhìn, có vẻ Brazil “khinh địch”, khi họ dẫn điểm mà vẫn tràn lên tấn công (thay vì phòng thủ để bảo toàn kết quả). Hình ảnh toàn cảnh cho thấy: hơn nửa đội hình Brazil (6 cầu thủ) còn đang đứng ở 1/3 mặt sân trên cùng, chỉ có 1 cầu thủ ở khu giữa sân, khi Croatia phản công từ giữa sân (và sẽ ghi bàn). Kỳ thực, chẳng ai khinh địch khi đang quyết tâm tranh chức vô địch World Cup. Đây là sai lầm chiến thuật.

Tite muốn phát huy tối đa số tài năng tấn công mà ông sở hữu. Neymar, Raphinha, Vinicius, Richarlison đều chơi thiên hẳn về công, và họ đá rất cá nhân (đây luôn là đặc điểm lớn nhất của đội tuyển Brazil). Khi HLV Tite đưa Antony, Rodrigo, Pedro vào thay Raphinha, Vinicius, Richarlison trong hiệp 2, thì đấy thuần túy là thay cầu thủ này bằng cầu thủ khác, chứ không hề thay đổi cách chơi. Hậu quả: Croatia, với các tiền vệ xuất sắc và đông hơn, hoàn toàn làm chủ khu vực giữa sân. Cái hơn về tài năng cá nhân của Brazil tất nhiên giảm đi, khi họ không có bóng nhiều.

Tại World Cup 2014, Brazil “thủng” ngay giữa hàng thủ và thua Đức 1-7 ở bán kết, rồi thua tiếp Hà Lan 0-3 ở trận tranh hạng 3. Người ta không thua đậm đến như vậy ở giai đoạn knock-out World Cup, trừ phi áp dụng chiến thuật ngây thơ và “vỡ trận”. Tại World Cup 2006, Brazil thua Pháp ở tứ kết. Tại World Cup 2018, Brazil thua Bỉ, cũng ở tứ kết, và đều vì các tình huống cố định. Đấy cũng là một phần của chiến thuật, dù chỉ mang hơi hướng bài bản, miếng đánh.

Neymar ghi bàn bằng một pha solo xuất sắc. Người ta vẫn hay nói, bóng đá được quyết định bởi những khoảnh khắc như vậy, nhưng thật ra bóng đá… không phải như vậy! Chỉ khi nào đôi bên quá tương đồng về chiến thuật, thì khoảnh khắc lóe sáng cá nhân mới trở nên quan trọng. Pháp, Hà Lan (2 lần), Đức, Bỉ, và nay là Croatia, lần lượt cho thấy: tài năng cá nhân của bóng đá Brazil không to hơn khiếm khuyết quá lớn của nền bóng đá này trong kỷ nguyên hiện đại: lỗ hổng chiến thuật.

Theo Kinh Thi (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

(GLO)- Châu Ngọc Quang cùng đội tuyển Việt Nam vừa lên ngôi vô địch tại ASEAN Cup 2024. Với tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thành tích trên là trái ngọt sau những nỗ lực không ngừng của một cậu bé lớn lên từ vùng quê nghèo khó.

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.