Bức tranh tiêu cực phức tạp, bóng đá còn góc khuất
Thời gian qua, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và BTC hệ thống giải đấu chuyên nghiệp, ngoài chuyên nghiệp tại VN luôn chủ động đấu tranh phòng chống tiêu cực. VFF thường xuyên tiến hành các lớp tập huấn, khuyến cáo các bộ phận, đội bóng nhận diện những biểu hiện tiêu cực (nếu có). VFF cũng phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C02) để cùng theo dõi, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh. Tuy nhiên, những gì mà VFF đã và đang làm có lẽ chưa đủ liều để ngăn chặn hành vi tiêu cực.

Cách đây vài năm, 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp tham gia cá cược đã bị VFF và FIFA trừng phạt (1 cầu thủ bị cấm 5 năm, 10 cầu thủ bị cấm 6 tháng), nhưng dường như bài học này vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh. Tiêu cực lại tiếp tục xảy ra khi một nhóm cầu thủ đội Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia dàn xếp tỷ số, nên đã bị cơ quan công an khởi tố. Chưa hết, đầu năm 2025, Ban Kỷ luật VFF đã ký 8 quyết định để xử lý hàng loạt đội bóng tại vòng loại giải bóng đá U.19 quốc gia, vì có hành vi thi đấu không tích cực. Còn bây giờ đến lượt CLB Phú Thọ bị phát hiện dàn xếp tỷ số... Đó chỉ là những vụ bề nổi, còn trên thực tế mọi thứ phức tạp hơn nhiều.
Gần đây tại VN, các giải đấu càng thấp lại càng dễ phát sinh tiêu cực. Nguồn lực tài chính, sự đầu tư hạn chế có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của nhiều cầu thủ. Thu nhập không đủ sống khiến cầu thủ nghĩ cách kiếm tiền dễ hơn, với các hình thức như đá kèo, móc ngoặc, làm độ, thông qua hệ thống web lậu đang hoạt động công khai trên không gian mạng.
Bằng chứng không tự tìm đến
Lâu nay, việc chống tiêu cực trong bóng đá VN bị điểm nghẽn bằng chứng khiến mọi nỗ lực luôn bế tắc. Trong khi đó, tiêu cực lại thích nghi nhanh với mọi chuyển động xã hội và ngày càng trở nên cực kỳ tinh vi. Vì vậy, chống tiêu cực không chỉ bằng cách hô hào "tăng cường, nỗ lực, quyết tâm", mà phải có giải pháp đủ mạnh nhằm triệt tiêu những mầm mống, dấu hiệu manh nha ngay từ đầu.
Bằng cách nào mà FIFA lại có thể soi chiếu mọi động thái của CLB Phú Thọ để rồi tung ra án phạt dứt khoát như vậy? Chắc chắn, một tổ chức lớn như FIFA không thể cảm tính trước khi ra quyết định. Nếu chưa đủ chứng cứ, FIFA sẽ không hành động, bởi họ không phải là tổ chức độc quyền xử lý vấn đề này, mà còn có cả Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS). CAS có thể đưa ra quyết định ngược lại, nếu FIFA ra phán quyết sai. Rõ ràng, FIFA đang có hệ thống thu thập dữ liệu đáng tin cậy. Có thể Sportrada (tập đoàn quốc tế chuyên phân tích dữ liệu thể thao) cũng là một khâu trong số này. Bên cạnh đó, kênh tiếp nhận nguồn tin tố giác được bảo mật có thể là giải pháp hiệu quả để FIFA tập hợp đủ nhân chứng, vật chứng trước khi đưa ra quyết định xử lý.
Nên nhớ bằng chứng không tự tìm đến. Chỉ có cách tiếp cận chủ động, kèm theo các giải pháp mang tính công nghệ mới có thể nhận diện, phơi bày ra ánh sáng các tiêu cực phát sinh, sau những lợi ích khổng lồ thông qua các hoạt động cá cược, móc ngoặc, dàn xếp tỷ số...
Chống tiêu cực bằng bộ máy, không phải bộ phận
VFF và BTC thuộc hệ thống các giải đấu bóng đá VN đều có bộ phận xử lý vấn đề tiêu cực. Đội ngũ giám sát là những cánh tay nối dài nhằm phát hiện, cung cấp những dữ kiện thu thập được qua các trận đấu. Nhưng bấy nhiêu liệu có đủ để chống tiêu cực? Câu trả lời là không!
Vì vậy trong bối cảnh mới, VFF và bộ phận liên quan cần cơ cấu lại để hình thành bộ máy chống tiêu cực, chứ không thể vận hành theo mô hình bộ phận. Ngoài ra, áp dụng công nghệ theo dõi, thu thập dữ liệu trên nền tảng cuộc cách mạng chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách. Bảo mật tuyệt đối các nguồn tin tố giác nhằm nâng độ tin cậy lên mức cao nhất cũng là đòi hỏi khách quan. Đặc biệt, VFF không thể bỏ qua tai mắt của người hâm mộ. Đây là nguồn lực rất quan trọng mà mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực khó có thể trốn chạy.
Chống tiêu cực trong bóng đá một mình VFF thôi chưa đủ, mà phải huy động cả hệ thống, từ CLB, địa phương, truyền thông... Còn để tìm ra chân tướng vấn đề thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng mang tính quyết định. Hiện nay, công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực tại VN diễn ra trên tất cả lĩnh vực, mà bóng đá càng không phải là vùng cấm. Mọi sự nhân nhượng hoặc lưỡng lự sẽ là bước lùi trước các tiêu cực luôn rình rập phá hoại sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Theo Huỳnh Sang (TNO)