Bình Định: Chấn chỉnh các nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát ở Hòn Khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoạt động tự phát của một số nhà hàng bè nổi, đưa khách lặn ngắm san hô và bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng đến rạn san hô, hệ sinh thái tự nhiên và gây mất vệ sinh môi trường biển.

Tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có tám nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có tám nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)



Điểm du lịch Hòn Khô (gồm đảo Hòn Khô Nhỏ và đảo Hòn Khô Lớn) thuộc xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông du khách, góp phần đem lại sinh kế cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động tự phát của một số nhà hàng bè nổi, bè đưa khách lặn ngắm san hô và bè nuôi trồng thủy sản nơi đây có nguy cơ ảnh hưởng đến rạn san hô, hệ sinh thái tự nhiên và gây mất vệ sinh môi trường biển, mất an toàn cho du khách.

Nhiều bất cập hoạt động bè nổi

Ghi nhận tại điểm du lịch Hòn Khô vào sáng 22/7, rất đông du khách đến đây tham gia các hoạt động tắm biển, đi ca nô nước, lặn ngắm san hô, ăn uống tại các nhà hàng bè nổi.

Trong đó, tại bè đưa khách lặn ngắm san hô (bè trung chuyển du khách trước khi xuống biển lặn ngắm san hô) của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, ghi nhận bè có diện tích khoảng 70m2 nhưng trên bè có hơn 100 du khách chuẩn bị lặn ngắm san hô. Hầu hết du khách đều không mặc áo phao.

Vị trí của bè nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô phía tây đảo Hòn Khô Nhỏ (12ha) được thành phố Quy Nhơn giao quyền quản lý cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải.

Cạnh bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải còn có hai bè đưa khách lặn ngắm san hô khác đang thực hiện việc đón khách để chuẩn bị cho các hoạt động lặn ngắm san hô. Diện tích mỗi bè này từ 50-70 m2. Một số du khách đang có mặt trên bè cũng không mặc áo phao.

Cả hai bè này cũng nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô. Nhiều du khách đã bơi lặn trực tiếp để ngắm san hô, một số canô nước tự do di chuyển trong khu vực này.

Theo một số du khách, khi lên bè lặn ngắm san hô tại đây, họ thấy nhiều người không mặc áo phao nên cũng không mặc, nhân viên cũng không bắt buộc phải mặc áo phao. Hơn nữa, số lượng áo phao cũng không đủ cho tất cả người trên bè, những du khách trực tiếp xuống biển lặn ngắm san hô mới được trang bị mặc áo phao đầy đủ.


 

 Hai bè đưa khách lặn ngắm san hô của hai hộ dân tại đảo Hòn Khô Nhỏ hoạt động tự phát và nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô 12ha. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Hai bè đưa khách lặn ngắm san hô của hai hộ dân tại đảo Hòn Khô Nhỏ hoạt động tự phát và nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô 12ha. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)


Trong khi đó, tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có một dãy nhà hàng bè nổi nằm cạnh nhau. Mỗi bè có diện tích khoảng 200m2. Đây là nơi du khách nghỉ ngơi, ăn uống hải sản và tắm nước ngọt.

Trên các nhà hàng bè nổi này, nhân viên nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ để phục vụ du khách. Một số cây cầu tạm bằng gỗ được xây dựng để du khách đi lại.

Nhiều dây neo được thả xuống biển để giữ bè không bị trôi. Đặc biệt, một nhà hàng bè nổi tại đây còn sử dụng máy bơm để hút cát biển dưới chân bè đổ lên đảo.

Một nhân viên đón khách cho nhà hàng bè nổi tại đây cho biết, đã làm nhà hàng bè nổi từ 6-7 năm nay, mỗi ngày có khoảng 200-300 du khách đến ăn uống, nghỉ ngơi trên bè.

Chủ nhà hàng bè nổi cũng đã cam kết với chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách, không xâm hại rạn san hô.

Trong khi đó, ghi nhận xung quanh khu vực đảo Hòn Khô Lớn, ngoài các nhà hàng bè nổi còn có trên 10 bè nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Các bè này cách đảo khoảng 50m và đang được thả nuôi tôm giống.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải (thuộc Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải) cho biết, khi thành phố Quy Nhơn giao cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích 12ha mặt nước có nhiều rạn san hô tại khu vực phía Tây đảo Hòn Khô Nhỏ, Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhận nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô tại đây kết hợp với việc đưa khách lặn ngắm san hô.

Đối với bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải mà phóng viên ghi nhận vào sáng 22/7, bè có sức chứa tối đa 150 khách, trên bè có đầy đủ áo phao, có bảng nội quy quy định du khách phải mặc áo phao và luôn có nhân viên để nhắc nhở du khách mặc áo phao đảm bảo.

Qua hình ảnh phóng viên cung cấp, Tổ sẽ chấn chỉnh tình trạng du khách không mặc áo phao.


 

 Du khách trực tiếp lặn ngắm rạn san hô dù phương án quản lý là khuyến khích sử dụng thảm bè nổi, thúng đáy kính chèo tay để bảo vệ rạn san hô. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Du khách trực tiếp lặn ngắm rạn san hô dù phương án quản lý là khuyến khích sử dụng thảm bè nổi, thúng đáy kính chèo tay để bảo vệ rạn san hô. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)


Tổ Bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải đã lập biên bản xử lý đối với một số trường hợp bè tự phát đưa khách lặn ngắm san hô, không đảm bảo an toàn, không có đủ nhân viên hướng dẫn, cứu hộ, thiếu áo phao trang bị cho du khách.

“Hiện, bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải và bè tự phát của hai hộ dân địa phương đều nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô 12ha. Tuy nhiên, các bè chưa xâm phạm đến vùng lõi 2,1ha cần được bảo vệ nghiêm ngặt mà nằm ở vùng đệm được phép lặn ngắm san hô theo phương án bảo vệ,” anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cho biết.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, theo quy định thì vũng lõi bảo vệ rạn san hô phải được bảo vệ nghiêm ngặt, còn vùng đệm được phép hoạt động lặn ngắm san hô.

Tuy nhiên, nếu lượng du khách lặn ngắm quá nhiều thì Tổ bảo vệ rạn san hô sẽ không quản lý hết được, du khách sẽ có những hoạt động như dẫm đạp làm ảnh hưởng đến rạn san hô ở vùng lõi.

Qua tìm hiểu của phóng viên, theo phương án quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản và du lịch giải trí tại khu vực phía Tây đảo Hòn Khô Nhỏ của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, việc đặt bè nổi cho khách lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, hạn chế bơi lặn ngắm trực tiếp, khuyến khích sử dụng thảm bè nổi, thúng đáy kín chèo tay tránh làm ảnh hưởng rạn san hô; vị trí đặt bè cho khách lặn ngắm san hô không gây tác động xấu đến rạn san hô, số lượng bè được quy định cụ thể theo ý kiến của cơ quan chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải, hiện nay, tại khu vực xung quanh đảo Hòn Khô Lớn có tám nhà hàng bè nổi đang hoạt động. Đây là các bè của người dân địa phương hoạt động tự phát.

Trước đây vào năm 2019, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành văn bản cấm tất cả các hoạt động của nhà hàng bè nổi tự phát, địa phương đã yêu cầu tám nhà hàng bè nổi này không được hoạt động nữa.

Tuy nhiên, các nhà hàng bè nổi đem lại nguồn sinh kế cho người dân và hình thành trước khi tỉnh có văn bản cấm nên địa phương rất khó xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Nam thừa nhận, vì hoạt động tự phát nên các nhà hàng bè nổi tại đảo Hòn Khô Lớn có nhiều bất cập. Trước mắt chưa thể dừng hoạt động được nên địa phương yêu cầu các hộ dân cam kết phải đảm bảo môi trường, thu gom rác thải vận chuyển vào đất liền, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách, đặc biệt là mặc áo phao phòng hộ.

Mặc dù đã cam kết như vậy nhưng khi phóng viên cung cấp hình ảnh hoạt động của các nhà hàng bè nổi tại đảo Hòn Khô Lớn vào sáng 22/7, ông Nam cho biết địa phương sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm việc tự ý hút cát biển, chế biến thức ăn ảnh hưởng môi trường.

Đối với các bè đưa khách lặn ngắm san hô, nếu lượng khách quá nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rạn san hô và mất an toàn nên cũng cần được chấn chỉnh.

Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản hiện nay tại khu vực gần đảo Hòn Khô Lớn cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, nguồn nước.

Địa phương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nên sắp tới sẽ vận động người dân vào khu vực này để nuôi trồng thủy sản đảm bảo. Tuy nhiên, vùng quy hoạch lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dễ gây thiệt hại nên người dân chưa thống nhất.

Hiện, có khoảng 14 hộ nuôi trồng thủy sản tự phát tại khu vực gần đảo Hòn Khô Lớn.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, qua hình ảnh phóng viên TTXVN cung cấp, ông sẽ yêu cầu thanh tra Sở tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh.

Vào ngày 19/7 vừa qua, Sở cũng đã thành lập đoàn để thanh tra hoạt động du lịch tại xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn).

Do hiện nay có một số cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú hoạt động tự phát dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo các quy định về giá cả, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.

Theo Tường Quân (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.