(GLO)- Khai trương từ tháng 1-2012, đến nay Bệnh viện Đại học Y Dược-HA.GL (BV ĐHYD-HA.GL) đã đi vào hoạt động được hơn 4 tháng. Theo thống kê, trong thời gian qua, Bệnh viện đã đón hơn 50 ngàn lượt người đến khám, điều trị. Dự báo, trong thời gian tới số lượng người đến khám-chữa bệnh sẽ tăng cao từ đây cho đến cuối năm, khi BV ĐHYD-HA.GL đưa vào hoạt động đầy đủ tất cả các khoa, đặc biệt chuẩn bị tiếp nhận khám-chữa bệnh cho những người đóng bảo hiểm y tế.
Mỗi ngày đón 600 lượt người đến khám bệnh
Thạc sĩ Nguyễn Thi-Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, sau khi hoàn thành với quy mô 200 giường bệnh, trung bình mỗi ngày BV ĐHYD-HA.GL sẽ đón từ 700 cho đến 800 người đến khám-chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng đầu đi vào hoạt động, mặc dù bệnh viện chỉ mới hoàn thành 65% khối lượng công việc, nhưng lượng người đến khám đã tăng vọt. Trung bình mỗi ngày có tới 600 lượt người đến khám. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với chúng tôi vì người bệnh đã tin vào chúng tôi”.
Ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược-HAGL. Ảnh: M.V |
Tính đến thời điểm hiện nay, BV ĐHYD-HA.GL có tất cả 286 cán bộ, nhân viên. Trong đó số bác sĩ cơ hữu là 23, ngoài ra hàng tuần phía Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh luân phiên cắt cử, tăng cường khoảng 18 thành viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, dược sĩ... ra làm việc tại Gia Lai. BV ĐHYD-HA.GL hoạt động theo mô hình mới, đây là sự liên kết của 2 đơn vị có ưu thế mạnh nhất về ngành y trong xã hội. Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ toàn diện về mặt nhân sự và chuyên môn, Tập đoàn HA.GL đầu tư 100% vốn mua sắm trang-thiết bị, cơ sở vật chất…
Qua khảo sát, trong số hơn 50 ngàn lượt người đến khám, điều trị tại BV ĐHYD-HA.GL trong 4 tháng qua, đa số các bệnh nhân đến từ Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Đak Lak, Quảng Ngãi, Phú Yên… Có một số người đến từ Lào và Campuchia.
Chị Trần Thị Thu Hằng đến từ huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) nhận xét: “Trước đây cứ mỗi lần vào TP. Hồ Chí Minh khám bệnh, chí ít cũng mất 3-4 ngày, tiền xe đi lại, ăn ở cũng ngốn vài triệu đồng, đó là chưa kể chịu cảnh kẹt xe, khí hậu nóng bức, xếp hàng rồng rắn chờ bốc số… Kể từ khi BV ĐHYD-HA.GL đi vào hoạt động, chúng tôi chỉ cần đi về trong ngày, rất tiện lợi nhưng chất lượng khám-chữa bệnh ở đây không hề thua kém tại TP. Hồ Chí Minh…”.
Tuy nhiên qua thăm dò, điều khiến không ít người lo lắng chính là đội ngũ bác sĩ, có nhiều người tuổi đời còn khá trẻ, liệu tuổi nghề của họ có cao như mong muốn của bệnh nhân? Về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thi giải thích: “Nhiều bác sĩ ở đây trẻ về tuổi đời nhưng tuổi nghề chưa hẳn là vậy. Họ trẻ nhưng giỏi thực sự bởi vì con đường học hành hanh thông, học liền một mạch từ đại học cho đến chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú… Trước khi hành nghề ở đây, các bác sĩ đã có thời gian trải nghiệm thực tế tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh”.
Khai trương khoa ngoại, phẫu thuật gây mê-hồi sức
Sau khi được Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam cùng đoàn bác sĩ của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thẩm định, vào ngày 8-5 vừa qua, BV ĐHYD-HA.GL đã chính thức khai trương khoa Ngoại và khoa phẫu thuật-gây mê hồi sức. Trong đó khoa Ngoại gồm 4 nhóm bệnh: Xương-khớp, thận-niệu-nam khoa, tiêu hóa-gan-mật-hậu môn-trực tràng, lồng ngực-mạch máu.
Đúng vào lúc 12 giờ cùng ngày, BV ĐHYD-HA.GL đã tiến hành phẫu thuật nội soi bệnh nhân đầu tiên viêm túi mật cấp do sỏi. Bệnh nhân là chị Lâm Hoài Thy (32 tuổi ở TP. Pleiku). Sau nửa giờ phẫu thuật, ca mổ do bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc làm phẫu thuật viên chính cùng ê kíp đã thành công tốt đẹp. Đến ngày 10-5, bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe phục hồi tốt.
Đặc biệt, hầu hết những bệnh nhân khi chụp cộng hưởng (chụp MRI) tại BV ĐHYD-HA.GL, hình ảnh sẽ được truyền trực tuyến, thường xuyên về TP. Hồ Chí Minh. Sau khoảng 1 giờ đọc, chẩn đoán qua hình ảnh, kết quả sẽ được phản hồi cho bệnh nhân.
Thành công bước đầu của BV ĐHYD-HA.GL chính là nhờ sự hỗ trợ toàn diện về mặt nhân sự và chuyên môn của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, thời gian tới, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ nhân lực mạnh hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ y tế kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Minh Vỹ