"Bệnh lạ" khiến bé gái không thể ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gia đình và bệnh nhi đã gần như tuyệt vọng vì đã "vái tứ phương". Sau 6 tháng bé không thể ăn uống, gia đình cố thử lần nữa khi đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh).

Bệnh nhi Q.A. (thứ hai từ trái qua) hồi phục rất tốt sau phẫu thuật
Bệnh nhi Q.A. (thứ hai từ trái qua) hồi phục rất tốt sau phẫu thuật



Chiều 15-8, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết sức khỏe của bệnh nhân T.Q.A. (13 tuổi, ngụ Bình Dương) đã hồi phục rất tốt sau cuộc phẫu thuật trị chứng tắc tá tràng do kìm động mạch. Trước đó, bé A. bị đau bụng trường kỳ, ăn vào cũng đau mà không ăn cũng đau. Suốt nửa năm trời, gia đình đã đưa bé đi nhiều nơi mà vẫn không tìm ra bệnh, thậm chí các bác sĩ nghi ngờ cơn đau của em là do tâm lý!

Trước khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé đã trải qua 6 tháng không thể đi đại tiện được, không thể ăn uống được mà chỉ truyền dịch. Gia đình đã tính đến việc tìm ra nước ngoài để cứu lấy con.

Thế nhưng, thật bất ngờ vì khi lên TP. Hồ Chí Minh và tìm đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã chẩn đoán ra căn "bệnh lạ" của bé. Đó là một chứng hiếm gặp, và quả thật phải cần đến các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thật nhiều kinh nghiệm mới phát hiện ra.

Đó là chứng tắc tá tràng do kìm động mạch: một đoạt tá tràng chạy ngang qua khu vực cột sống, nằm trong một gọng kìm của hai động mạch (động mạch chủ bụng và động mạch treo tràng trên). Nếu góc giữa này quá hẹp do một bất thường trong cấu trúc cơ thể, tá tràng sẽ bị kẹp lại và bị tắc. Tá tràng tắc khiến hệ thống tiêu hóa bị ngăn cản, bé không thể ăn, không thể đại tiện. Ngoài ra, Q.A. còn bị thêm chứng kẹp tĩnh mạch thận gây tiểu máu.

Q.A. đã được tiến hành phẫu thuật, trong một ca mổ được chủ trì bởi bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1. Theo bác sĩ Hiếu, ca mổ thuận lợi và tiến triển của bệnh nhi rất tốt. Hiện bé đã ăn trở lại được, tăng 0,5kg chỉ ít ngày sau phẫu thuật. Tại cuộc gặp gỡ báo chí, bé đã có thể thoải mái giao tiếp với mọi người.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị một vài ca tương tự, nhưng nói chung là rất hiếm. Mối nguy lớn nhất của bệnh là gây suy kiệt cho bệnh nhân, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

A.Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử

Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.
Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

(GLO)- Đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái xung quanh vấn đề này.