40 năm những bài ca không quên: Giữ gìn biên cương bằng âm nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những "bài ca không quên" là dòng chảy trong nền âm nhạc Việt Nam, tái hiện những năm tháng giữ gìn biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Trong những ngày này, cả nước đang kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên cương đất nước ở Tây Nam và phía Bắc, qua sóng truyền hình, qua Đài phát thanh lại nghe âm vang nhiều khúc ca của 40 năm trước, như một nguồn hồi ức mãi không quên.

Tình đồng đội, tình yêu lứa đôi, sự gắn kết giữa tiền tuyến và hậu phương là nguồn cảm xúc ngập tràn trong những ca khúc thời kỳ này. Những bản tình ca ra đời trên biên giới trên thực tế đã hòa mạnh nhất vào dòng chảy ca khúc của tân nhạc Việt Nam và trở thành những bản tình ca đi cùng năm tháng, là bài ca không quên.

Không một chút bi lụy hay lùi bước trước hiểm nguy, mọi thế hệ người yêu nhạc Việt đều luôn cảm thấy sức trẻ, tình yêu cuộc sống và ý chí của tuổi thanh xuân trong các ca khúc như: "Ngày mai anh lên đường" (Thanh Trúc, 1978), "Gửi lại em" (Vũ Hoàng, 1978), "Nơi đảo xa" (Thế Song, 1979), "Tình ca mùa xuân" (nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan, 1979), "Chút thư tình người lính biển" (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa, 1981), "Cánh hoa lưu ly" (Diệp Minh Tuyền, 1979)…


 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.


Đó chính là "Tiếng đàn bên bờ sông biên giới" của Phạm Tuyên mà trong suốt những năm 80 đã trở thành nhạc hiệu của chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam. Đó chính là "Chiều biên giới" của Trần Chung với "khi mùa đào hé nở, khi mùa gió sang cây, đôi ta cùng chiến hào, tình yêu là tiếng hát giữa đất trời quê hương" ;

Hay "bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới là bản tình ca anh viết cho em" (Tình ca tuổi trẻ, Tôn Thất Lập). Tình tứ và sâu lắng hơn nữa phải kể đến "Tình ca mùa xuân" của Trần Hoàn: "Em ơi em mùa xuân đã về trên cánh lá, tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm ... mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa".

Không ai quên được những nét nhạc và lời ca tha thiết tình cảm của "Hoa sim biên giới" (Minh Quang), được những người lính biên cương yêu thích; "Thư gửi cho nhau" (Phan Huấn), như một lời thủ thỉ với người thương. Cũng giống như "Nơi đảo xa", "Chút thư tình của người lính biển" là hai ca khúc mà bất cứ người lính hải quân nào cũng thuộc và có thể hát.


 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.



Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một tác phẩm về biên giới: "Em ở nông trường, em ra biên giới" (1981), ông viết như một cách tưởng nhớ 20 cô gái thanh niên xung phong tình cờ gặp mặt, và họ đều đã hy sinh ở biên giới Tây Nam.

Hay những nét nhạc mạnh mẽ hào hùng của “Việt Nam muôn thuở mồ chôn quân thù” (Nguyễn Mạnh Thường- 1979), “Việt Nam không khuất phục” (Nguyễn Đình Tấn- 1979). Và bi tráng nhất từ giai điệu cho đến ca từ trong “Bài ca biên giới anh hùng” (Nguyễn Đức Toàn- 1979)…

Nét nhạc hành khúc truyền thống của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã viết “Ý chí Diên Hồng”-1979: “…Đèo cao đá Chi Lăng, vực sâu nước Bạch Đằng đang chờ quân giặc ở ngàn phương. Mỗi nhà là một pháo đài. Mỗi làng là một chiến khu. Năm mươi triệu dân cùng chung ý chí.. Ý chí Diên Hồng ý chí Việt Nam". Chúng ta đã “Chiến thắng vinh quang” (Nguyễn Đức Toàn- 19800, “Tiếng hát chiến thắng” (Phạm Minh Tuấn- 1980)…

Và “dòng nhạc biên giới” sau sự kiện 17/2/1979 càng trở nên đặc biệt, khi các ca khúc ấy đã bám chặt dòng chảy của thời sự. Nhiều ca khúc đã xuất hiện gần như ngay lập tức khi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên cương lãnh thồ bùng nổ. Tiếng hát của dàn đồng ca vang dội hùng tráng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần trong ngày có thể ví như các bản tin "breaking news", “hotlines” của Reuters, CNN, AP...

Các ca khúc của thời kỳ này còn có một đặc điểm chung trong lời ca thường nhắc tới các địa danh từng ghi dấu những chiến công oai hùng trong lịch sử dân tộc chống giặc ngoại xâm như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, đặc biệt là ca khúc “Chiến đầu vì độc lập tự do” được xem như mở đầu cho dòng “nhạc biên giới” phía Bắc. Trước đó, ông đã có những ca khúc: “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh” (Lê Đinh Chinh là liệt sĩ đầu tiên ngã xuống trên biên giới phía Bắc); “Có một đóa Hồng Chiêm”(về nữ liệt sĩ Hồng Chiêm); “Tiễn thầy giáo đi bộ đội”  (từ chuyện có thật về thầy giáo rời bục giảng để cầm súng)…

Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì tối 17/2/1979, nhạc sĩ đã lặng người khi nghe tin biên giới phía Bắc bị xâm lược, khi đó ông đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, và rồi ngay lập tức, ông đặt bút viết rất nhanh ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới”.

Ngay ngày 20/2/1979 ca khúc đã được dàn hợp xướng của Đài đưa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 9/3/1979 được đăng trên báo Nhân dân, tháng 4/1979 được Quân nhạc biểu diễn, tháng 5/1979 được dạy trên Đài phát thanh và nhanh chóng phổ biến khắp cả nước,: “... Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca! Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!”.

Cùng thể loại hùng ca với "Chiến đấu vì độc lập tự do" là ca khúc "Lời tạm biệt lúc lên đường" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thật sự là một hành khúc viễn chinh đầy bi tráng: “Ngày ra đi, hướng biên cương/ gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt/ Nòng súng đen dán câu thơ/ Ý thơ thiệt hay là thơ Lý Thường Kiệt…”.


 

 Nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng.



Và không thể không nhắc tới bản hùng ca "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận" (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng, hừng hực khí thế cả nước lên đường chiến đấu, một lần nữa: “Một dải non sông tha thiết yêu thương/ Một tiếng nói chung chỉ một con đường/ Lịch sử gọi ta xông lên phía trước/ Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước." Nhạc sĩ Trần Tiến vừa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội đã viết ca khúc “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, với nét nhạc trầm hùng, dồn dập: “ Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi, một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa. Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân”.

“Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung lại là bản tình ca về cuộc chiến biên giới lãng mạn nhất khi phổ thơ từ bài thơ của nhà thơ được mệnh danh là “cây bút miền biên cương” người dân tộc Dáy Lò Ngân Sủn:“Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn. Như chồi xanh cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta”…

Ca khúc "Lời thương ta ngỏ cùng nhau" của nhạc sĩ Đức Miêng cũng được gọi là “Chiều biên giới” cũng nét nhạc lãng mạn, và một "Chiều biên giới" thứ ba của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, sáng tác khi ông đang tham gia chiến đấu ở vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, năm 1978.

Nhạc sĩ quân đội Thế Hiển sau ca khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” thì có bài "Hát về anh", đề cập trực tiếp tới những hy sinh thầm lặng của người lính biên cương: “Cho tôi ca bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu/ Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương/ Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn/ Mang trong trái tim anh trọn niềm tin...”

Các nhạc sỹ còn dõi theo những phản ứng của dư luận quốc tế trước cuộc chiến xâm lược phi nghĩa, trong mạch cảm xúc này, nhạc sỹ Phan Nhân đã viết; "Khắp thế giới vang lên những lời hô : không được đụng đến Việt Nam- niềm tin kiêu hãnh của loài người yêu tự do... Khắp thế giới chung lưng với Việt Nam. Bao kẻ thù đã bại vong. Nay kẻ thù sẽ bại vong. Mùa xuân vĩnh viễn sẽ rực hồng trên biển Đông..." (Không được đụng đến Việt Nam)…

Dòng “nhạc biên giới” có thể xem như một cách ghi lại lịch sử giữ gìn biên cương Tổ quốc bằng âm nhạc. Nhiều ca khúc đã được các ca sĩ nhiều thế hệ thể hiện và thành danh từ ca khúc, và luôn là dòng chảy mãi không quên trong nền âm nhạc Việt Nam, để tự hào, để lưu nhớ, để trân trọng hơn những giai điệu của hòa bình.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Phim chữa lành có thầy tu '6 múi'

Phim chữa lành có thầy tu '6 múi'

Nhà sư trẻ mặc cà sa màu huyết dụ ở bên chú chó trắng dễ thương giữa phong cảnh mây núi hùng vĩ. Poster phim An Lạc lập tức thu hút những người quan tâm tới đạo Phật, tới đời sống tâm linh cũng như yêu động vật. Đó đều là những mã hình ảnh có tính toàn cầu.

Người vực dậy Phương Mỹ Chi

Người vực dậy Phương Mỹ Chi

Sau nhiều năm gắn với biệt danh cô bé dân ca, Phương Mỹ Chi chuyển hướng sang hình tượng nghệ sĩ pop, ballad kết hợp âm nhạc truyền thống. Thành công của Phương Mỹ Chi có sự góp công không nhỏ của nhóm producer DTAP.