Agribank Gia Lai: Ngân hàn hàng đầu phục vụ nông nghiệp nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Ngày 1-11-2016, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Gia Lai (Agribank Gia Lai) thực hiện chia tách và thành lập mới Chi nhánh Đông Gia Lai. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông PHAN TIẾN THU-Giám đốc Agribank Gia Lai về những định hướng, nhiệm vụ cũng như các giải pháp chủ yếu của 2 Chi nhánh nhân sự kiện này.

- Xin ông cho biết chủ trương của Agribank về chia tách và thành lập mới Chi nhánh Đông Gia Lai?

Ông PHAN TIẾN THU: Trải qua 28 năm kể từ ngày thành lập (26-3-1988) cho đến nay, Agribank Gia Lai đã và đang là ngân hàng thương mại hàng đầu trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn (thị phần huy động vốn chiếm 29%, tương ứng 8.177 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 29%/năm; thị phần đầu tư tín dụng cho nền kinh tế chiếm 21%, tương ứng 12.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 30%/năm), đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ chỗ mới có 9 đơn vị trực thuộc vào năm 1991, đến nay, Chi nhánh đã có 32 đơn vị (Hội sở và 23 Chi nhánh, 8 Phòng Giao dịch) rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, Chi nhánh luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ chiếm đến 91% trong tổng dư nợ.

 

Phối cảnh  trụ sở Agribank Đông Gia Lai.
Phối cảnh trụ sở Agribank Đông Gia Lai.

Thông qua gần 1.300 tổ vay vốn thuộc các tổ chức chính trị-xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh), Agribank Gia Lai luôn đảm bảo vốn tín dụng phủ sóng đến tất cả các thôn, làng ở khu vực nông thôn. 15 năm qua, Chi nhánh thực hiện chuyển đổi cơ cấu đầu tư tín dụng hợp lý, đúng định hướng; tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng gấp hơn 2 lần, từ 43% năm 2001 lên 91% hiện nay. Đầu tư vốn cho hộ gia đình sản xuất kinh doanh tăng từ mức 60% năm 2001 lên mức 85,7% hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 65.000 hộ gia đình sản xuất kinh doanh vừa có quan hệ vay vốn vừa sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Hiện Chi nhánh đã lắp đặt được 42 máy ATM, gần 310 điểm chấp nhận thẻ (POS) với 140.000 thẻ ATM, trong đó 70% chủ thẻ là hộ nông dân ở địa bàn huyện, thị xã. Đồng thời với việc cung ứng vốn và sản phẩm dịch vụ cho lĩnh vực nông hộ, việc đầu tư tín dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đối với lĩnh vực doanh nghiệp cũng được Chi nhánh quan tâm và phát triển vững chắc trong những năm qua.

Đến nay Agribank Gia Lai đã đầu tư và đưa vào vận hành 14 nhà máy thủy điện với công suất trên 600 MW; các nhà máy đường, chế biến tinh bột mì, chế biến cà phê, gỗ xuất khẩu… là những dự án được quan tâm đầu tư đạt hiệu quả, phát huy thế mạnh kinh tế địa phương. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của Chi nhánh trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng và đầu tư tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu của 2 Chi nhánh sau khi chia tách?

 

Việc chia tách thành 2 Chi nhánh đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Agribank trên địa bàn, vừa để đảm bảo mục đích quản trị hoạt động phù hợp với quy mô vừa mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm dịch vụ đến gần với doanh nghiệp và nông dân; giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại đứng đầu về quy mô trên địa bàn tỉnh, cũng như đối với các Chi nhánh Agribank trên địa bàn Tây Nguyên.

Ông PHAN TIẾN THU: Agribank sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm khi chia tách và chính thức đi vào hoạt động. Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về khả năng tiếp cận, phục vụ và phát triển khách hàng, lấy chất lượng sản phẩm dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng làm thước đo hiệu quả trong phát triển kinh doanh. Thứ hai, sẽ tiếp tục ưu tiên mọi nguồn lực về vốn, nhân lực, sắp xếp lại mạng lưới theo hướng giữ vững ổn định thị phần khu vực đô thị và phát triển mạnh thị phần khu vực nông thôn. Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đổi mới toàn diện công tác quản trị điều hành nhằm phát huy nội lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới. Thứ tư, tiếp tục phát triển quy mô kinh doanh hợp lý, đặc biệt nâng cao hiệu quả kinh doanh, xác định mục tiêu tài chính là hàng đầu và là trung tâm để xây dựng và phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh khác. Thứ năm, khắc phục những tồn tại trong các giai đoạn trước, hạn chế tối đa tác động tiêu cực để vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Về mục tiêu tăng trưởng, 2 Chi nhánh phấn đấu đến năm 2020 nguồn vốn huy động đạt 14.400 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 15%/năm giai đoạn 2016-2020); đầu tư tín dụng đạt 20.700 tỷ đồng (tăng trưởng 12%); tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%; doanh thu dịch vụ tăng gấp đôi so với hiện tại.

- Giải pháp cụ thể trong định hướng hoạt động của 2 Chi nhánh sắp tới là gì, thưa ông?

Ông PHAN TIẾN THU: Trên nền tảng kết quả đạt được, định hướng hoạt động của 2 Chi nhánh luôn đặt mục tiêu hướng đến khách hàng, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng trên cơ sở các lợi thế về mạng lưới, nguồn nhân lực, quy mô hoạt động và ứng dụng công nghệ hiện đại. Cùng với việc phát triển và nâng cao các sản phẩm truyền thống là huy động vốn và cho vay, kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, triển khai các chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ, cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay, với công nghệ hiện đại, hệ thống kế toán giao dịch với khách hàng trong toàn hệ thống Agribank đã mang lại tiện ích vượt trội trong quản lý vốn, giao dịch trên tài khoản, đặc biệt là thanh toán chuyển tiền đi, đến tức thời trong toàn hệ thống Agribank với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên phạm vi khắp cả nước. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại của Agribank trên nền tảng công nghệ mới cũng đang được triển khai mạnh mẽ đến tất cả các chi nhánh trực thuộc, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều có cơ hội và rất dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ mới như: chùm sản phẩm dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, thẻ quốc tế, kết nối quản lý dòng tiền (CMS), Mobile Banking, Internet Banking…

Với định hướng và mục tiêu hành động cùng với những giải pháp luôn gắn lợi ích của khách hàng với lợi ích ngân hàng và sự quyết tâm của tập thể cán bộ viên chức, 2 Chi nhánh Agribank trên địa bàn sẽ hợp tác và thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh trong những năm tới, khẳng định được vị thế của Agribank trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Xin cảm ơn ông.

Vũ Thảo (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.