Gắn phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn: Chủ phương tiện mơ hồ, băn khoăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là quy định gắn phù hiệu “Xe tải” đối với xe tải dưới 3,5 tấn có hiệu lực (từ ngày 1-7-2018), thế nhưng nhiều chủ xe vẫn chưa nắm thông tin và không biết thực hiện ra sao.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1-7-2018, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở Giao thông-Vận tải cấp, đồng thời phải gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “Xe tải” theo quy định.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.000 xe tải dưới 3,5 tấn. Ảnh: D.Q
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.000 xe tải dưới 3,5 tấn. Ảnh: D.Q

Ông Đoàn Hữu Dũng-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai) cho biết: Nhằm kịp thời triển khai các quy định tại Nghị định 86, ngay từ đầu năm, Sở đã thông báo về quy định này lên trang web của Sở cũng như gửi thông tin đến các cơ quan thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có chủ phương tiện nào đến đăng ký làm thủ tục gắn phù hiệu tại Sở Giao thông-Vận tải.

Theo thống kê từ các Trung tâm Đăng kiểm, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 10.000 phương tiện vận tải dưới 3,5 tấn. Đây là con số không hề nhỏ, nếu không có sự chuẩn bị tốt, việc triển khai làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, gắn phù hiệu... đồng loạt trước thời hạn 1-7-2018 sẽ gây quá tải, không chỉ cơ quan chức năng mà ngay cả người dân cũng sẽ mệt mỏi vì chờ đợi làm thủ tục... Chính vì vậy, việc sớm phối hợp cùng cơ quan chức năng thực hiện quy định trên của các chủ phương tiện xe tải dưới 3,5 tấn là cần thiết.

Tuy nhiên, đến nay có rất nhiều chủ xe tải vẫn khá mơ hồ đối với quy định trên. Anh Nguyễn Ngọc Phương (phường Hội Thương, TP. Pleiku), chủ một chiếc xe tải 1,5 tấn, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến quy định gắn phù hiệu cho xe tải dưới 3,5 tấn. Nếu pháp luật quy định vậy thì tôi sẽ tuân thủ”. Song, điều anh Phương lo lắng là việc gắn phù hiệu có cần thiết hay không vì hiện xe của anh đứng tên cá nhân mà không tham gia đơn vị, tổ chức nào cả.

Trong khi đó, anh Lê Văn Bốn (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), là chủ một chiếc xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn thì thắc mắc: “Xe tải nhà tôi chủ yếu chở hàng cho gia đình, có kinh doanh gì đâu mà phải đăng ký kinh doanh hay gắn phù hiệu?”. Theo anh Bốn, việc đăng ký kinh doanh sẽ liên quan đến nhiều thủ tục khác như thuế mà lượng hàng chở cho gia đình lại không nhiều. “Hơn nữa, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tôi không cần thiết vì tự mình chạy, tự mình quản lý, đâu có thuê ai mà phải mất công giám sát”-anh Bốn băn khoăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Hữu Dũng cho biết: Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, được gắn phù hiệu “Xe tải” sẽ được làm miễn phí; Sở sẽ bố trí đội ngũ cán bộ tư vấn, hướng dẫn cụ thể các thủ tục khác liên quan... Ngoài ra, người dân còn có thể thực hiện các thủ tục bằng dịch vụ trực tuyến thông qua mạng internet, rất tiện lợi và nhanh chóng. Riêng đối với trường hợp vận tải hàng hóa cho gia đình, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì đây là loại hình kinh doanh không thu tiền trực tiếp (tức là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó). Tuy nhiên, thực chất đây vẫn là loại hình kinh doanh gián tiếp nên vẫn phải áp dụng quy định gắn phù hiệu “Xe tải”.

Như vậy, sau ngày 1-7-2018, trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải dưới 3,5 tấn không thực hiện các quy định nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ. Tại Điểm c, Khoản 5, Điều 24 quy định người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu), có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.

Để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu “Xe tải”, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa liên hệ trực tiếp Sở Giao thông-Vận tải (số 10 đường Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku) để được hướng dẫn các thủ tục làm hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu “Xe tải” hoặc tham khảo bộ thủ tục hành chính trên trang điện tử của Sở Giao thông-Vận tải tại địa chỉ: http://sgtvt.gialai.gov.vn/, vào mục Thủ tục hành chính công.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.