Đak Pơ-Giá mía rẻ, dân điêu đứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đã bắt đầu thu hoạch mía niên vụ 2017-2018. Tuy nhiên, giá mía năm nay chỉ dao động ở mức 700-780 đồng/kg mía 10 chữ đường, tức là giảm gần bằng một nửa so với năm ngoái. Điều này, khiến người dân trồng mía điêu đứng.

Ông Trần Ngọc Ngưu, ở tổ dân phố 4, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ cho biết, người dân ở đây bao nhiêu năm nay đều sống dựa vào cây mía. Năm nay, giá mía hạ quá thấp. Chỉ có 780 đồng/kg mía 10 chữ đường tại ruộng, sau khi trừ chi phí, nhiều lắm cũng chỉ còn khoảng 430 đồng/kg. Tính ra, mía nhà nào tốt lắm, thì mỗi sào cũng chỉ được khoảng 3 triệu đồng một sào. Như vậy người dân vẫn bị lỗ 500 ngàn đồng. Nhưng nếu bỏ mía không trồng nữa thì cũng chẳng biết trồng cây gì.

 

Ảnh: Nguyễn Hiền
Ảnh: Nguyễn Hiền

Gia đình chị Trần Hương Giang, ở thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ có 5 sào mía. Không nhiều, nhưng gia đình chị chỉ trông cậy hết vào khoản tiền mía cuối năm mới có dư ra chút đỉnh. Nhưng với giá mía như năm nay, chị chỉ biết thở dài ngao ngán. Chị nói: “Mía như năm nay thì chết đói thôi. Đầu tư thì nhiều, mà giá mía rẻ thế này. Dân còn gì đâu. Công chặt, công chất, rồi vận chuyển, lại trừ tạp chất, chữ đường nữa… Không lỗ là còn may. Nhưng đa phần là lỗ. Tết đến nơi rồi…mà mía thế này, cũng chẳng muốn nghĩ đến tết nữa. Tranh thủ đi chặt mía kiếm thêm thôi”.

Cũng giống như chị Giang, chị Bùi Thị Ty, cũng ở thôn 4, An Thành, huyện Đak Pơ năm nay cũng lo lắng-“Nhà chị có 5 ha mía đấy. Mà trung bình tính tiền đầu tư tiền cày, tiền giống, tiền phân bón, tiền thuốc cỏ này kia cũng phải 40 triệu đồng cho 1 ha rồi. Mà mía có 700-800 đồng/kg thì bảo lời chỗ nào nữa. Công chặt, công chất không đã mất 200 ngàn đồng 1 tấn. Công chở chưa biết bao nhiêu. Năm nay mía đi lại chậm. Chữ đường thì nhà máy nói bao nhiêu, dân biết bấy nhiêu thôi. Chớ mà thường chỉ được 8, 9 chữ là mừng rồi. Ở đây, mía tốt lắm mới được 100 tấn/ha. Còn thì đa số là 70-80 tấn/ha. Trồng mía cả năm trời, cái gì cũng chỉ ngó vào tiền thu mía cuối năm. Giờ chỉ mong huề vốn, chứ không dám mong có lời”.

Niên vụ mía 2017-2018, toàn huyện Đak Pơ có 8.399 ha mía nguyên liệu. Nhằm nâng cao thu nhập cho bà con trồng mía, nhiều năm nay, huyện luôn chủ trương vận động bà con nông dân tích cực thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Đồng thời khuyến khích nhân rộng cánh đồng mía lớn và cánh đồng kỹ thuật. Tuy nhiên, giá mía thấp, đã khiến cho việc vận động xây dựng các mô hình cánh đồng lớn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như với cánh đồng lớn làng Bút, xã An Thành, ngay năm đầu triển khai, mặc dù mía tốt, năng suất sản lượng cao. Nhưng nếu trừ chi phí đầu tư, bà con chẳng còn được là bao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó giám đốc nhà máy đường An Khê, thì năm nay, do giá đường giảm mạnh, nên giá mía cũng bị kéo giảm theo… Khác với năm trước, năm nay nhà máy tiến hành quản lý việc cấp phiếu và quản lý đầu xe chặt chẽ hơn. Ưu tiên chặt những diện tích mía chín sớm, mía năm ba trở lên để cày phá, trồng lại cho kịp thời vụ. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chặt mía sạch, bỏ hết ngọn non để đảm bảo giảm tạp chất và tăng chữ đường cho bà con.

Nguyễn Hiền

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.