Chư Pưh: Hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng bền vững để nâng cao  hiệu quả kinh tế,  thời gian qua, huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều mô hình trình diễn có sức thuyết phục cao.

Chư Pưh là địa phương có diện tích hồ tiêu tương đối lớn của tỉnh với 2.890 ha của trên 9.000 hộ. Trong đó, diện tích hồ tiêu kinh doanh khoảng 2.450 ha. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao nên trong những năm qua, diện tích loại cây trồng này trên địa bàn huyện không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất hay sử dụng giống không đảm bảo chất lượng... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, khiến dịch bệnh bùng phát trên cây hồ tiêu, gây thiệt hại kinh tế.

 

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực giúp người dân huyện Chư Pưh phát triển kinh tế. Ảnh: L.N
Hồ tiêu là cây trồng chủ lực giúp người dân huyện Chư Pưh phát triển kinh tế. Ảnh: L.N

Trước thực tế trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả để áp dụng trên cây hồ tiêu. Năm 2016, huyện triển khai 8 mô hình phát triển hồ tiêu bền vững bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn 4 xã: Ia Rong, Ia Le, Ia Hrú, Ia Phang nhằm giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giữ gìn và cải thiện môi trường sinh thái... Anh Nguyễn Văn Đoan (thôn Phú An, xã Ia Le), một trong 8 hộ tham gia mô hình, cho hay: “Gia đình tôi có 7 sao đất trồng hồ tiêu được hơn 3 năm nay nhưng hay bị bệnh vàng lá, chết nhanh chết chậm và cây phát triển rất kém. Vừa qua, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật và chế phẩm sinh học bón cho hồ tiêu. Hiện vườn hồ tiêu của gia đình đang phát triển ổn định và thấy tốt hơn trước đây nhiều”. Còn  anh Rơ Lan Ke (thôn Bê Têl, xã Ia Rong) cho biết: Gia đình tôi có 1,2 ha hồ tiêu trồng từ năm 2000. Do trồng theo phong trào, không nắm vững  kỹ thuật nên hồ tiêu thường xuyên bị bệnh và chết rải rác, phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Khi được Nhà nước hướng dẫn  kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ phân bón, vườn hồ tiêu phục hồi thấy rõ và phát triển ổn định.

Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục triển khai 2 dự án: dự án sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; dự án sản xuất hồ tiêu bền vững theo hướng sử dụng giống sạch bệnh và bón phân cân bằng dinh dưỡng. Trong đó, dự án sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước được triển khai với quy mô 6 mô hình/3 ha trên địa bàn các xã Ia Dreng, Ia Le, Ia Phang và thị trấn  Nhơn Hòa. Huyện đã cấp chế phẩm sinh học và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình sử dụng hiệu quả. Dự án sản xuất hồ tiêu sử dụng giống sạch bệnh và bón phân cân bằng dinh dưỡng có quy mô 10 mô hình trên địa bàn 5 xã, thị trấn gồm: Ia Rong, Ia Hrú, Ia Hla, Ia Blứ, Nhơn Hòa. Đến nay, các vườn hồ tiêu của 2 dự án đều phát triển ổn định.

 

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: “Trong thời gian tới, ngoài việc triển khai các mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững, huyện còn tập trung xây dựng cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu ở xã Ia Le và Ia Hrú, gắn với việc chuyển giao quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững cho nhóm hộ tham gia cánh đồng lớn, tạo ra vùng nguyên liệu và hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Phần lớn người dân trên địa bàn huyện chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu dẫn đến tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất. Việc làm này chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà không bảo đảm thâm canh cây trồng bền vững, làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng nhiều làm phát sinh, tồn tại một số loại sâu bệnh gây hại dẫn đến tình trạng hồ tiêu chết nhanh chết chậm nghiêm trọng như đã xảy ra. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Dự án sử dụng chất hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp sạch và sử dụng chế phẩm sinh học mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, không làm thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất, đồng hóa các chất dinh dưỡng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nó còn có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng. Người dân sử dụng chế phẩm sinh học cũng sẽ giảm được khoảng 50% chi phí so với sử dụng phân bón hóa học.

Qua 2  năm triển khai các mô hình, người dân đã nâng cao nhận thức trong sản xuất hồ tiêu bền vững. Hiện đa số người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng cây che bóng và sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng bệnh, hạn chế sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.