Tái canh cây cà phê-Hướng đi phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, những vườn cây cà phê già cỗi, năng suất thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông dân và ngành cà phê của tỉnh. Vì vậy, tái canh cây cà phê là giải pháp được khuyến khích nhằm đưa giống mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp cải thiện được năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hướng đi phát triển bền vững

Toàn tỉnh hiện có 18.554/93.100 ha cà phê già cỗi (tính đến ngày 30-12-2015), năng suất thấp cần tiến hành tái canh và ghép cải tạo, chiếm tỷ lệ 19,93% tại 10 huyện và thành phố  như: TP. Pleiku, huyện Ia Grai, huyện Chư Pah, huyện Chư Prông, huyện Đak Đoa... Giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh trồng tái canh trên 3.624 ha cà phê. Trong đó, nhân dân là trên 2.772 ha, doanh nghiệp 852 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận 2.100 kg hạt giống TRS1 và 10.000 cây giống cà phê TRS1 từ nguồn giống hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam. Sở đã cấp phát cho 10 địa phương trong tỉnh để cấp phát cho nông dân gieo ươm và trồng tái canh với diện tích 2.190 ha, còn lại do nhân dân và doanh nghiệp tự tái canh. Các công ty và nông dân trên địa bàn chủ yếu trồng tái canh bằng cây thực sinh từ hạt lai đa dòng TRS1, cây ghép từ dòng vô tính TR4, TR5, TR6, TR9... Phần lớn diện tích cà phê trồng tái sinh trưởng tốt. Đến nay đã có một số diện tích bước vào thời kỳ kinh doanh, hiệu quả năm 3 cho năng suất khoảng từ 2-2,5 tấn/ha.

 

Tái canh cây cà phê để đảm bảo năng suất, chất lượng hạt cà phê. Ảnh: N.T
Tái canh cây cà phê để đảm bảo năng suất, chất lượng hạt cà phê. Ảnh: N.T

Huyện Ia Grai là một trong những huyện đang đẩy mạnh tái canh cây cà phê. Với trên 4.655 ha diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp chiếm diện tích cao nhất toàn tỉnh. Năm 2014-2015, huyện Ia Grai được phân bổ 100 kg hạt giống và 13.500 cây giống cà phê phục vụ tái canh. Bên cạnh nguồn giống được hỗ trợ tái canh, các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn chủ động kinh phí, tự tổ chức khai hoang, thanh lý vườn cây, mua hạt giống, cây giống trồng tái canh 735,5 ha. Đến nay, các vườn cây đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, sinh trưởng, phát triển tốt.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai đang quản lý 1.008 ha cà phê, trong đó có 300 ha cà phê già cỗi, phát triển kém, cho năng suất thấp. Từ 2007 đến nay, Công ty đã thực hiện tái canh được 200 ha cà phê. Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc tái canh cà phê. Ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty, cho biết: Mỗi ha tái canh cần từ 230-250 triệu đồng. Làm bài bản, đúng quy trình thì sau 4 năm, cà phê cho thu bói. Năng suất cà phê tái canh khi đi vào kinh doanh đạt 4 tấn nhân/ha. Đặc biệt, có những diện tích đã đạt được 5-6 tấn nhân/ha. Từ nay đến 2020, Công ty tiếp tục xây dựng kế hoạch tái canh khoảng 100 ha cà phê già cỗi.

Gia đình Nguyễn Hộ ở vựa cà phê Ia Sao (huyện Ia Grai) có gần 2 ha cà phê, trong đó một nửa diện tích đã có tuổi thọ gần 30 năm. Do phù hợp chất đất, nguồn nước tương đối thuận lợi so với những nơi khác nên từ lâu cây cà phê đã phát triển và là thế mạnh tại đây. Do có mặt sớm, quá trình trồng thiếu sự chọn giống phù hợp nên hầu như cà phê nông hộ ở vựa cà phê Ia Sao đều đã đến tuổi thay thế. Ông Hộ cho biết: Tôi đã chọn giải pháp tự tái canh vườn cà phê của mình. Trong quá trình chăm sóc hàng năm, thấy cây nào quá kém chất lượng, tôi liền đào bỏ và thay thế bằng cây khác. Qua nhiều năm tái canh, vườn cây già cỗi gần 1 ha của tôi đã thay thế được vài trăm cây mới. Cứ có đến đâu, tôi làm đến đó, đỡ chịu áp lực của lãi suất Ngân hàng.

Đẩy mạnh tái canh cây cà phê

 

Vườn cà phê đã tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai. Ảnh: N.T
Vườn cà phê đã tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai. Ảnh: N.T

Nhận định được hiệu quả của việc tái canh cây cà phê, đưa tái canh đạt hiệu quả và đồng bộ, ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết: Huyện sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân dân chăm sóc vườn cây theo quy trình tái canh cây cà phê của Cục Trồng trọt mới ban hành. Tuy nhiên, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần hướng dẫn thủ tục vay vốn phù hợp, bố trí kinh phí phục vụ công tác điều tra nhu cầu tái canh cho từng địa phương và cho công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật tái canh và hỗ trợ xây dựng các vườn ươm giống cố định tại địa phương...

Nhằm giúp nông dân có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật thực hiện tái canh cà phê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi thành phố, các huyện trồng cà phê, hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp kỹ thuật về xử lý đất trồng tái canh cà phê và kỹ thuật sản xuất giống cà phê với thực sinh. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình tái canh và tháo gỡ vướng mắc về khâu giống phục vụ cho tái canh... Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho biết: Tỉnh sẽ đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Theo đó, năm 2016, có 5.489 hộ gia đình đăng ký trồng tái canh cây cà phê với diện tích 4.302 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về tái canh cây cà phê, đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng tái canh cây cà phê theo đúng quy trình ban hành và chỉ đạo các ngân hàng nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn nông dân quy trình thủ tục vay vốn để nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất.

Ông Lịnh cũng cho biết thêm, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở Tài chính, UBND các huyện và thành phố có trồng cà phê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố trồng cà phê lập dự toán ngân sách trình HĐND cấp huyện phân bổ kinh phí, giao cho phòng Kinh tế hoặc phòng Nông nghiệp và PTNT mua hạt giống đảm bảo chất lượng cấp phát cho người dân theo kế hoạch tái canh hàng năm của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã hàng năm lập dự toán phân bổ ngân sách, trình HĐND cấp xã để hỗ trợ.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.