Đăng ký cấp chứng nhận kinh tế trang trại: Dân chưa mặn mà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lý do không khuyến khích người dân đăng ký để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (GCNKTTT) là dù có được chứng nhận hay không thì ưu đãi từ chính sách mà GCNKTTT mang lại không lớn. Chính vì vậy, sau một thời gian vận động, số trang trại ở huyện Ia Grai (Gia Lai) được cấp chứng nhận khá là khiêm tốn…

Trang trại nuôi cá sấu ở TP. Pleiku.
Trang trại nuôi cá sấu ở TP. Pleiku.

Tính đến nay, huyện Ia Grai mới có 5 trang trại được cấp GCNKTTT theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong số này có 1 trang trại trồng cao su và 4 trang trại tổng hợp (kết hợp trồng cà phê, chăn nuôi heo, gà). Theo tiêu chí để được cấp GCNKTTT thì đối với cơ sở trồng trọt, sản xuất tổng hợp cần có tối thiểu 2,1 ha đất sản xuất, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm trở lên; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Qua khảo sát, ở huyện có nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi kết hợp khá quy mô, nếu căn cứ tiêu chí quy định, có khả năng là thừa điều kiện để được cấp GCNKTTT, nhưng người dân chưa mặn mà đăng ký, dẫn đến số lượng GCNKTTT được cấp ít so với thực trạng hiện tại.

Theo lý giải của bà Phạm Thị Thu Hằng-cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, rất nhiều lần Phòng tổ chức vận động những hộ sản xuất đủ điều kiện nên đăng ký để được cấp GCNKTTT, nhưng việc này không mang lại kết quả. Theo họ, giấy này không phải là thủ tục bắt buộc, cũng không thật sự mang lại giá trị về mặt kinh tế, do đó dù có đủ và thậm chí thừa điều kiện theo tiêu chí đưa ra song nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ.

“Qua thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng, nếu GCNKTTT có thể làm cơ sở đảm bảo cho một phần vốn vay, thì may ra người dân mới mặn mà. Thật ra, khi làm thủ tục vay vốn theo chính sách ưu đãi đối với kinh tế trang trại, chủ trang trại được vay tối đa đến 1 tỷ đồng không có đảm bảo tài sản, nhưng với điều kiện người vay phải nộp tài sản đảm bảo (không cần đăng ký thế chấp) vào ngân hàng để ngân hàng giữ! Như vậy, với những trang trại quy mô, nhu cầu vốn phát triển lớn thì mức vay trên không thấm thía vào đâu so với thực tế cần, trong khi đó nếu đem tài sản đảm bảo (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đi thế chấp vay sẽ được định giá đúng hơn giá trị của nó và đáp ứng vốn theo nhu cầu của trang trại”-bà Hằng nói thêm.

Hiện nay, trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường, việc phát triển mô hình trang trại rất cần thiết, là cơ hội để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, lao động, kỹ thuật... Chính sách về trang trại theo tiêu chí mới đã và sẽ tạo sự chuyển biến, bứt phá trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản vốn là thế mạnh của huyện, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

Tuy nhiên, nhận thức của người dân về giá trị GCNKTTT còn rất hạn chế, họ chỉ nghĩ đến ưu đãi về chính sách tín dụng, chứ không biết rằng GCNKTTT còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như về thuế, về đất đai, khoa học công nghệ… Tuy nhiên, quy trình để được cấp GCNKTTT cũng khá phức tạp với nhiều người dân. Một số hộ dân cũng cho biết, để được chứng nhận kinh tế trang trại phải thông qua nhiều tiêu chí, có hộ đất trồng trọt thì nhiều nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nên xét về tiêu chuẩn diện tích vẫn chưa được, còn có hộ đủ diện tích nhưng quy mô về doanh thu mới chỉ “ngấp nghé” quy định.

Suy cho cùng, không phải người dân không mong đợi để được cấp GCNKTTT, nhưng phấn đấu để mở rộng quy mô sản xuất nhằm đạt tiêu chí kinh tế trang trại trong điều kiện hiện nay đã khó, mà giá trị của giấy chứng nhận này không như chủ trang trại mong đợi nên xem ra tiến độ cấp GCNKTTT sẽ còn tiếp tục chậm.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.